Thử thách dành cho Biden
Cuộc khủng hoảng này thử thách hy vọng bảo vệ nền dân chủ trên phạm vi toàn cầu của Tổng thống Biden và đẩy ông vào một cuộc chiến lâu dài để khôi phục an ninh châu Âu.
Đây là một diễn biến khác xa so với những gì Tổng thống Biden hình dung khi chính quyền của ông được xây dựng vào năm 2021 với mục tiêu kiềm chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới và nỗ lực khôi phục nền kinh tế Mỹ sau đại dịch Covid-19.
Nhà lãnh đạo Mỹ đã nói về việc tạo dựng một mối quan hệ “ổn định và có thể dự đoán được” với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ngụ ý rằng trọng tâm của Mỹ có thể hướng tới những thách thức cấp bách hơn.
Hiện tại, Tổng thống Biden đang chứng kiến cuộc giao tranh tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Mặc dù lực lượng Mỹ không trực tiếp tham gia, cuộc xung đột Nga – Ukraine đang thử thách sức mạnh của Mỹ và ông Biden cần đảm bảo có vị thế tốt để lãnh đạo đất nước trên trường quốc tế.
Những nỗ lực của ông Biden nhằm ngăn chặn cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine, bằng cách đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt, đã không thành công.
Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Donbass, phía Đông Ukraine nhằm bảo vệ hai nước Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk khỏi “sự gây hấn của Ukraine”.
Kịch bản tồi tệ này đã buộc ông Biden phải chuyển hướng sang các kế hoạch phức tạp khác nhằm trừng phạt nền kinh tế Nga.
“Đây là một cuộc chiến có thể kéo dài nhiều năm. Tương lai của châu Âu phụ thuộc vào việc Điện Kremlin phải trả giá cho hành động gây chiến như thế nào. Nếu Nga không chịu lệnh trừng phạt, nước nào sẽ có nguy cơ bị tấn công tiếp theo?”, Timothy Naftali, nhà sử học tại Đại học New York, cho biết.
Ngày 24/2, Tổng thống Biden đã giáng các đòn trừng phạt nhằm vào Nga bằng các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. Nhà Trắng cũng công bố các hạn chế xuất khẩu đối với Nga nhằm hạn chế khả năng tiếp cận xuất khẩu toàn cầu của nước này đối với mọi loại hàng hóa, từ đồ điện tử, máy tính đến chất bán dẫn và các bộ phận máy bay.
Ông Biden cho biết, các biện pháp trừng phạt được thiết kế để có tác động lâu dài đối với Nga và giảm thiểu tác động đối với Mỹ cùng các đồng minh.
Cuộc xung đột định hình nhiệm kỳ tổng thống của Biden
Vậy còn tác động của cuộc tấn công này đối với bản thân Tổng thống Biden và đảng Dân chủ thì sao?
Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine sẽ thử thách sự kiên nhẫn của Mỹ trong việc đóng vai trò quan trọng trong các cuộc xung đột nước ngoài, ngay cả khi quân đội nước này không tham chiến.
Tổng thống thứ 46 của Mỹ đã phải đối mặt với tỷ lệ ủng hộ thấp, và chương trình nghị sự trong nước của ông, bao gồm các sáng kiến giáo dục và các chương trình khí hậu, đã bị đình trệ.
Theo một cuộc thăm dò mới từ Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề Công cộng của AP-NORC, tỷ lệ ủng hộ hiện tại của Tổng thống Biden khá thấp, với 44% người Mỹ ủng hộ ông và 55% không ủng hộ.
Giờ đây, những tác động kinh tế từ các lệnh trừng phạt đối với Nga có thể góp phần vào lạm phát và khiến giá khí đốt tăng cao vào thời điểm đảng Dân chủ có nguy cơ mất quyền kiểm soát Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11/2022.
Duy trì sự đoàn kết với các đồng minh cũng có thể là một thách thức với Tổng thống Biden. Dù Nhà Trắng đã nhấn mạnh sự đoàn kết quốc tế, nhưng các quốc gia châu Âu thường có những mong muốn khác đối với việc thách thức Nga. Đã có sự tranh cãi về việc có nên loại Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) hay không.
Ông Biden dự đoán rằng ông Putin “sẽ thử thách quyết tâm của phương Tây để xem liệu chúng ta có đoàn kết hay không”. “Chúng ta sẽ phải đoàn kết”, ông nói.
Xung đột ở Ukraine chỉ là phần bạo lực nhất trong cuộc giằng co trên thế giới về tương lai của nền dân chủ.
“Mỹ sẽ phải đối mặt với Nga quyết đoán và một Trung Quốc tinh vi hơn nhưng không kém phần thách thức”, Eliot A. Cohen, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ, nói.
Mỹ cần ngăn chặn nguy cơ nổ ra Thế chiến thứ ba
Một yếu tố xuất hiện khiến cuộc chiến ở Ukraine có nguy cơ trở thành cuộc khủng hoảng lớn hơn.
Lực lượng Nga ngày 24/2 giao tranh dữ dội với Ukraine nhằm giành quyền kiểm soát Chernobyl, nơi xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử vào năm 1986. Các cuộc giao tranh bên trong vùng cấm bao quanh nhà máy hạt nhân Chernobyl có thể khiến bụi phóng xạ thoát ra ngoài hoặc lan ra các khu vực khác, thậm chí cả các nước láng giềng.
Tổng thống Zelensky trước đó cảnh báo quân đội Nga đang cố gắng chiếm khu hạt nhân Chernobyl bị bỏ hoang và bị phong tỏa, hành động được ông mô tả là “một lời tuyên chiến chống lại toàn châu Âu”.
“Lực lượng của chúng tôi đang bất chấp hiểm nguy để đảm bảo thảm kịch năm 1986 không lặp lại”, ông Zelensky khẳng định trong bài đăng trên Twitter.
Hạ nghị sĩ Adam Kinzinger cho rằng hành động này “chắc chắn sẽ kích hoạt Điều 5 của Hiệp ước NATO”, trong đó cam kết một cuộc tấn công vào bất kỳ quốc gia thành viên nào đều được xem là cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh.
Một số thành viên NATO đã kích hoạt Điều 4 của Hiệp ước NATO để khởi động tham vấn về mối lo ngại an ninh sau những diễn biến mới nhất tại Ukraine. Điều 4 quy định dựa trên đề nghị của một nước thành viên, các nước khác sẽ tiến hành tham vấn mỗi khi sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị và an ninh của một nước thành viên “bị đe dọa”. Ukraine hiện không phải là thành viên NATO.
Lầu Năm Góc đang triển khai thêm 7.000 binh sĩ tới châu Âu và chuyển thêm về phía Đông một số khí tài bao gồm máy bay trực thăng tấn công và máy bay chiến đấu tiên tiến.
“Lực lượng của chúng tôi sẽ không tham gia vào cuộc xung đột với Nga ở Ukraine. Các lực lượng của chúng tôi không đến châu Âu để chiến đấu ở Ukraine, mà để bảo vệ các đồng minh NATO của chúng tôi. Chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc đất của NATO bằng toàn bộ sức mạnh của Mỹ”, ông Biden khẳng định.
Douglas Brinkley, một nhà sử học tại Đại học Rice, cho biết, Tổng thống Biden “cần phải hành động quyết liệt và cứng rắn nhưng không được để tình hình biến thành Thế chiến thứ ba”./.
Theo Mai Trang (VOV.vn)