Theo đại diện của KBtochmash, tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp Sosna là một trong những mặt hàng chủ lực của đơn vị này, nó có rất nhiều ưu điểm như độ cơ động và tự động hóa cao, hoạt động tốt trong mọi điều kiện thời tiết, không bị hạn chế bởi tầm bắn tối thiểu và có khả năng kháng nhiễu rất tốt.
Tổ hợp phòng không Sosna sử dụng đạn tên lửa đánh chặn 9M317 Sosna-R, được dẫn hướng thông qua cơ chế bám chùm tia laser phát ra từ khối quang điện đặt trên bệ xoay. Mục tiêu của nó rất đa dạng từ trực thăng, cường kích bay thấp cho tới cả tên lửa hành trình lẫn đạn pháo phản lực.
Điểm đặc biệt nữa của Sosna đó là nó có thể bắn khi đang hành tiến và bơi qua chướng ngại nước nhằm theo kịp đội hình tiến quân của các sư đoàn cơ giới, bảo vệ mục tiêu trên mặt đất, mục tiêu cơ động. Hệ thống có thể triển khai sử dụng riêng rẽ hoặc phối hợp với mạng lưới phòng không nhiều tầng nhiều lớp.
Với tầm bắn 10 km, trần bay diệt mục tiêu 5 km, Sosna được xác định sẽ là phương tiện thay thế những tổ hợp 9K35 Strela 10M đã lạc hậu trong Quân đội Nga, ngoài ra tiềm năng hiện đại hóa của Sosna vẫn còn rất lớn.
Không chỉ phục vụ trong Quân đội Nga, nhà sản xuất KBtochmash còn thông báo rằng họ đang xúc tiến việc bán tổ hợp tên lửa phòng không này sang khu vực Đông Nam Á, dĩ nhiên mục tiêu cũng là để thay thế Strela 10..
Ngoài việc phù hợp với chức năng để thay thế Strela 10, hệ thống phòng không Sosna còn có một lợi thế cực lớn mà trong khu vực Đông Nam Á này chỉ duy nhất Việt Nam nắm giữ trong tay.
Điều này đến từ loại đạn tên lửa 9M317 cũng như khối quang điện để dẫn bắn đều là loại tương tự đang được lắp đặt trên tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 của chúng ta, nếu lựa chọn Sosna thì Việt Nam sẽ giảm được rất nhiều gánh nặng về công tác đảm bảo kỹ thuật.
Không chỉ dừng lại ở đó, khi đã có một nền tảng lớn với tên lửa Sosna-R, Việt Nam rất nhiều khả năng sẽ được Nga đồng ý cung cấp công nghệ để chế tạo tại chỗ tương tự như với trường hợp tên lửa hành trình chống hạm Kh-35 Uran.
Theo Tùng Dương (Đất Việt)