Nga sẽ trở lại cảng Cam Ranh?

20/05/2016 08:58:00

Các quan chức Nga-Việt vừa qua đều để ngỏ khả năng Nga trở lại cảng Cam Ranh.

Các quan chức Nga-Việt vừa qua đều để ngỏ khả năng Nga trở lại cảng Cam Ranh.

Ngày 19-5, một Thượng nghị sĩ Nga, đồng thời là quan chức cao cấp của Hội đồng Liên bang (thượng viện Nga) tuyên bố rằng, vấn đề khôi phục căn cứ hải quân Nga tại Cam Ranh đang được các quan chức quốc phòng nước này nghiên cứu, đưa ra các biện pháp thực hiện.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Nga Viktor Ozerov tuyên bố trước truyền thông nước này là vấn đề về sự khôi phục căn cứ hải quân Nga ở Vịnh Cam Ranh đã được đề ra và phía Việt Nam có những tín hiệu tích cực về vấn đề này.

Vị quan chức cao cấp của Thượng viện Nga cho biết, vấn đề này đã được vạch ra từ lâu chứ không phải là vấn đề mới phát sinh. Điều này đã được thảo luận trong chuyến thăm Việt Nam lần trước của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Nga.

Khi đó, đại diện phía Nga đã nêu vấn đề này với Việt Nam và nhận được những tín hiệu tích cực từ phía Hà Nội. Ông Ozerov còn nhấn mạnh rằng, hiện vấn đề này đang được hai bên thảo luận ở cấp Bộ Quốc phòng.

Vị chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Thượng viện Nga khẳng định, việc khôi phục lại căn cứ của nước này ở Cam Ranh không còn là trong ý tưởng mà hiện hai bên đang xúc tiến tìm con đường và phương pháp biến những ý định thành hiện thực.

Nga se tro lai cang Cam Ranh?

Tàu nổi và tàu ngầm của hải quân Việt Nam ở quân cảng Cam Ranh

Căn cứ Cam Ranh nằm trên bờ biển Đông, trong vịnh Cam Ranh. Trước đây, Hải quân Liên Xô đã có những cơ sở hậu cần-kỹ thuật ở khu vực này. Cho đến trước những năm 2000, thành phố Cam Ranh là một điểm cung cấp hậu cần của tàu chiến Hải quân Nga.

Việc mở cửa đối với hải quân các nước đến cảng Cam Ranh nằm trong chủ trương chung của Việt Nam. Việt Nam nhiều lần khẳng định, cảng Cam Ranh là cơ sở dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho tất cả các nước trên thế giới trên tinh thần bình đẳng.

Cách đây vài tháng, Nga cũng đã đề xuất với Việt Nam cung cấp cho các tàu chiến nước này một gói ưu đãi khi ghé vào cảng Cam Ranh tiếp tế nhiên liệu, bổ sung nhu, yếu phẩm và sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật.

Vào tháng 3 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố họ dự định ký thỏa thuận với các cơ quan quân sự của Việt Nam và nhà nước Đông Phi Djibouti về việc ưu đãi đơn giản hóa thủ tục khi các tàu chiến của Nga hoạt động ở các đại dương ghé vào cảng của những nước này.

Tại thời điểm đó, các cơ quan chức năng của Nga đã soạn thảo xong các tài liệu có liên quan. Theo dự kiến, thỏa thuận này có thể được ký kết nội trong năm nay.

Việt Nam mở rộng cửa cho tất cả các nước vào Cam Ranh

Nga se tro lai cang Cam Ranh?

Hải quân Liên Xô xây dựng và kiến thiết quân cảng Cam Ranh thời kỳ đầu vào Việt Nam

Hôm 18-5, Đại sứ Việt Nam tại Nga là ông Nguyễn Thanh Sơn tuyên bố rằng, Việt Nam không phản đối Nga trở lại căn cứ quân sự Cam Ranh. Tuy nhiên, chính sách nhất quán của Việt Nam là không gia nhập liên minh quân sự hoặc hợp tác với một quốc gia này để chống lại quốc gia khác.

Trong bối cảnh hiện nay, việc mở cảng Quốc tế Cam Ranh cho phép Việt Nam phát triển hợp tác quốc tế đa phương để cung cấp dịch vụ vận tải biển, sửa chữa tàu và công nghệ quân sự nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực này, đó là một hướng đi phù hợp.

Nhà ngoại giao Việt Nam tuyên bố những điều này với truyền thông Nga, khi trả lời câu hỏi về triển vọng quay trở lại căn cứ quân sự tại cảng Cam Ranh của hải quân Nga.

Theo đại sứ Nguyễn Thanh Sơn, mặc dù hiện nay trong khu vực Biển Đông vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết, nhưng các nước ASEAN thống nhất quan điểm nhất quán rằng, các tranh chấp nên được giải quyết trên cơ sở các nguyên tắc và luật lệ quốc tế.
 

Các bên cần phải tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển (UNLOS), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), tránh các mối đe dọa và sử dụng vũ lực, đồng thời đa dạng hóa các mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Ngoài Nga ra, vào tháng 11-2015, Việt Nam và Nhật Bản cũng đã đạt được thỏa thuận cho phép các chiến hạm Nhật Bản vào Cam Ranh kể từ năm 2016 để tiến hành các hoạt động bổ sung hậu cần và bảo đảm kỹ thuật.

Hiện nay, truyền thông thế giới cũng đang cho rằng, giới chức quân sự Mỹ đang thể hiện sự quan tâm to lớn đối với cảng Cam Ranh của Việt Nam, bởi vị trí địa lý gần quần đảo tranh chấp ở Biển Đông và khả năng tàu thuyền có thể ra vào vịnh nước sâu, kể cả tàu sân bay và tàu ngầm.

Theo Nikkei Asian Review, trong bối cảnh mâu thuẫn phức tạp giữa các quốc gia châu Á, Washington đang tìm cách tăng cường hiện diện quân sự tại điểm nóng Biển Đông, trong đó Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng.

Hải quân Mỹ đang có ý định cạnh tranh với Nga trong việc sử dụng vùng vịnh này. Không phải ngẫu nhiên mà đã có lần chuyên gia quân sự Mỹ nhấn mạnh khả năng tàu sân bay Hoa Kỳ cập cảng Cam Ranh để tăng cường khả năng hoạt động trong và ngoài khu vực Biển Đông.

 

Căn cứ quân sự Mỹ ở Cam Ranh những năm giữa thập niên 60 của thế kỷ trước

Trước sự trỗi dậy của Bắc Kinh, Washington muốn đóng vai trò “trọng tài quốc tế” để bảo vệ lợi ích chiến lược của mình và lợi ích hàng hải quốc tế trong khu vực.

Vào cuối tháng 3 vừa qua, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết, các tàu hải quân Trung Quốc cũng có thể viếng thăm các cảng Việt Nam, trong đó có cảng Cam Ranh và hưởng các dịch vụ ở đó giống như các nước khác.

Mở cửa cho Nga, Việt Nam có thể nhận đề nghị tương tự từ Mỹ

Đầu tháng 3/2016, cảng quốc tế Cam Ranh đã được khai trương. Từ đây, cảng Cam Ranh có nhiệm vụ đón tiếp các tàu quân sự, tàu khách quốc tế; cung cấp dịch vụ hàng hải ghé vào căn cứ này để tiến hành các hoạt động bảo đảm cho hoạt động của họ.

Việc mở cảng Quốc tế Cam Ranh giúp Việt Nam tăng cường quan hệ với lực lượng hải quân thế giới, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực; bảo đảm cho hải quân quốc tế hoạt động, góp phần xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định.

Tuy nhiên, việc cho phép tàu chiến các nước vào Cam Ranh sử dụng các dịch vụ do phía Việt Nam cung cấp khác hoàn toàn với việc Việt Nam cho phép các nước lập các trạm bảo đảm hậu cần-kỹ thuật ở đây, tương ứng với sự hiện diện một số lượng nhất định quân nhân nước ngoài.

 

Vị trí chiến lược của quân cảng Cam Ranh trên Biển Đông

Các chiến hạm Nga sẽ chỉ ghé vào cảng Cam Ranh để tiếp liệu, bổ sung lương thực, thực phẩm, nước ngọt…, tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật. Sau khi thực hiện xong những hoạt động cần thiết, các tàu này sẽ phải rời khỏi cảng Cam Ranh.

Tuy nhiên, việc cho phép Nga cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể nhận những đề nghị mở trạm hậu cần-kỹ thuật tương tự từ phía Mỹ.

Về vấn đề này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong kỳ sau.
 

Theo Thiên Nam (Đất Việt)

 

Nổi bật