Hôm 23-3, Chủ tịch tập đoàn Irkut ông Oleg Demchenko đã xác nhận rằng, công ty này vừa đưa ra đề xuất cho không quân Ấn Độ về việc hiện đại hóa phi đội Su-30MKI, điều sẽ tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu của chiếc máy bay này.
Su-30MKI được chế tạo theo giấy phép được Nga cung cấp cho công ty Hindustan Aeronautics Limited (HAL) của Ấn Độ. Nó là một biến thể của tiêm kích đa nhiệm tầm xa Su-30 và được mong chờ sẽ trở thành "xương sống" của không quân Ấn Độ sau khi lực lượng này cho nghỉ hưu nhiều mẫu máy bay lỗi thời.
|
Su-30MKI sẽ được nâng cấp lên thành Super Sukhoi |
Dây chuyển sản xuất Su-30MKI ở Ấn Độ đã được thiết lập từ năm 2004 và đến nay nước này đang sở hữu 230 chiếc, đồng thời chuẩn bị đặt hàng thêm 84 chiếc khác. Theo ông Demchenko, việc thương lượng nhằm hiện đại hóa Su-30MKI vẫn đang diễn ra với Bộ Quốc phòng Ấn Dộ và Irkut đã đưa ra các văn bản cần thiết.
Ông Demchenko không tiết lộ chi tiết sự hiện đại hóa mà Nga sẽ mang lại cho Su-30MKI, tuy nhiên, theo các nguồn tin từ Ấn Độ, không quân nước này sẽ nâng cấp Su-30MKI lên tiêu chuẩn mới có tên gọi là Super Sukhoi, với lô đầu tiên bao gồm 80 chiếc. Toàn bộ hợp đồng trị giá từ 7 đến 8 tỉ USD sẽ đưa Su-30MKI lên tầm gần bằng tiêm kích thế hệ 5 trong một vài phương diện.
Nhiều khả năng Nga đã đề xuất hiện đại hóa buồng lái, trang bị các hệ thống điện tử hàng không hiện đại, các tính năng bán tàng hình, ngoài ra tên lửa siêu âm BrahMos tầm bắn 300km cũng sẽ được trang bị. Gói nâng cấp sẽ bao gồm cả radar quét mảng pha điện tử chủ động, hệ thống cảnh báo sớm và gây nhiễu thiết bị điện tử mạnh hơn, cùng với đó là phần mềm điều khiển nâng cấp.
Vào tháng trước, Tập đoàn sản xuất máy bay thống nhất (UAC) của Nga cũng đã đề nghị tích hợp động cơ AL-41F-1S thay thế loại AL-31F đang trang bị trên Su-30MKI của Ấn Độ, mặc dù, New Delhi từng tiết lộ họ đang cân nhắc chuyển sang dùng động cơ không phải do Nga thiết kế để tránh những hạn chế đã được tìm ra.
Theo Đặng Vũ (An Ninh Thủ Đô)