Tình hình Ukraine diễn ra khá nóng bỏng với nhiều diễn biến dồn dập của các bên sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine. Với Nga, bước đi này cho thấy Nga quyết tâm thực hiện mục tiêu ngăn phương Tây bước qua “lằn ranh đỏ” bởi sự mở rộng của NATO và khả năng kết nạp Ukraine vào tổ chức này được xem là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh của Moscow. Còn với phương Tây, hành động của Nga là không thể chấp nhận được, vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền của Ukraine.
Rất nhiều cuộc họp khẩn diễn ra vào tối qua (24/2) tại châu Âu để bàn các giải pháp đáp trả Nga trước cuộc tấn công vào Ukraine, trong đó có những biện pháp trừng phạt chưa từng có. Liệu có một cuộc chiến trừng phạt qua lại giữa hai bên và liệu còn cánh cửa nào cho đối thoại và đàm phán?
Đánh giá về các biện pháp trừng phạt của phương Tây
Mới đây, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu – EU kết thúc cuộc họp Thượng đỉnh khẩn cấp tại thủ đô Brussels của Bỉ và đã nhất trí thông qua một gói trừng phạt mới nhằm vào Nga. Thông báo do Hội đồng châu Âu phát đi chưa nêu rõ các trừng phạt cụ thể nhưng cho biết, các lệnh trừng phạt này nhằm vào các lĩnh vực tài chính, năng lượng, giao thông vận tải của Nga. Ngoài ra, lệnh trừng phạt cũng nhằm vào các mặt hàng lưỡng dụng, vào việc hạn chế cấp visa cho công dân Nga. Danh sách các cá nhân Nga bị EU trừng phạt bằng việc đóng băng tài sản và cấm di chuyển đến các nước EU cũng gia tăng. Giới chức lãnh đạo EU khẳng định gói trừng phạt này sẽ có hậu quả tàn phá đối với nền kinh tế Nga.
Trước đó, trong chiều ngày 24/2, Vương quốc Anh cũng đã tung ra gói trừng phạt mới 10 điểm, mà Thủ tướng Anh nhận định là “lớn chưa từng có” nhằm vào Nga, trong đó trọng tâm là việc cắt đứt hầu như toàn bộ các kênh huy động vốn của các ngân hàng Nga trên thị trường tài chính London. Một loạt các ngân hàng Nga, trong đó có cả ngân hàng lớn thứ hai của Nga là VTB cũng sẽ bị đóng băng tài sản trên đất Anh. Tiếp đến, các công ty lớn của Nga trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng như Rostec, Uralvagonzavod và 3 công ty trong lĩnh vực chế tạo tên lửa, máy bay chiến đấu và tàu chiến Nga cũng bị trừng phạt.
Hơn 100 cá nhân và thực thể khác, trong đó có một số nhà tài phiệt, chủ ngân hàng Nga cũng nằm trong danh sách bị đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh vào Anh. Hãng hàng không lớn nhất của Nga là Aeroflot cũng bị Anh cấm bay vào lãnh thổ Anh. Ngoài ra, chính phủ Anh cũng ra lệnh cấm xuất khẩu công nghệ cao sang Nga. Thủ tướng Anh cũng cho biết đã đề xuất với lãnh đạo các nước G7 và EU về việc loại bỏ Nga khỏi Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng toàn cầu – SWIFT.
Nhìn tổng thể, các gói trừng phạt mới mà EU và Anh đưa ra, dựa trên sự phối hợp với chính quyền Mỹ, là rất nặng, gần như chặn đứng hoàn toàn việc tiếp cận với thị trường vốn phương Tây của các ngân hàng và công ty Nga, ngăn các công ty Nga nhập khẩu các công nghệ cao và đặc biệt, nhắm rất nhiều vào giới tinh hoa kinh tế Nga, vốn được cho là có quan hệ mật thiết với chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin. Tuy nhiên, biện pháp trừng phạt lớn nhất, hay còn gọi là “biện pháp nguyên tử”, đó là cắt đứt Nga khỏi hệ thống thanh toán ngân hàng quốc tế - SWIFT vẫn bỏ ngỏ, dù có các nước như Anh, các nước Baltic, Đông Âu yêu cầu. Điều này cho thấy trong nội bộ các nước phương Tây còn mâu thuẫn khá nhiều về biện pháp trừng phạt này. Các nước như Đức, đảo Síp phản đối mạnh và cho rằng nên áp dụng từ từ các trừng phạt với Nga, để dành khả năng hành động cho các diễn biến xấu hơn.
Phản ứng từ phía Nga
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Donbass đã tác động mạnh đến thị trường tài chính, năng lượng toàn cầu. Đồng USD và đồng euro đạt mức cao lịch sử: 90 ₽/$, và trên 100 ₽/€. Sự sụt giảm của các chỉ số chứng khoán của Liên bang Nga đạt 29-36%. Chỉ số Moscow Exchange lần đầu tiên giảm xuống dưới 1.900 điểm kể từ tháng 7/2017. Chứng khoán của các công ty Nga trên sàn giao dịch chứng khoán London đang rẻ hơn 20-70%. Giá dầu Brent lần đầu tiên vượt 103 USD/thùng kể từ tháng 9/2014. Giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt lên 1.400 USD/1.000m3.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nói rằng chính quyền Nga đã dự đoán phản ứng cảm tính của thị trường và khu vực tài chính đối với chiến dịch đặc biệt ở Donbass. Để đảm bảo rằng thời gian phản ứng cảm xúc càng ngắn càng tốt, tất cả các biện pháp cần thiết đã được thực hiện. Biên độ an toàn cần thiết đã được tạo ra.
Ngân hàng Trung ương Nga đã quyết định bắt đầu can thiệp vào thị trường ngoại hối để ổn định thị trường tài chính, đồng thời chỉ thị cho các nhà môi giới tạm thời ngừng bán khống trên thị trường hối đoái và thị trường tự do.
Chính phủ Nga đã đưa ra thông báo, Nga có đủ nguồn lực tài chính cho sự ổn định của hệ thống trước các lệnh trừng phạt và các mối đe dọa từ bên ngoài. Chính phủ sẽ giúp đảm bảo hoạt động bền vững của các công ty nằm trong danh sách trừng phạt, bảo toàn việc làm và tiền lương. Nội các cũng cho biết họ đã phát triển các kế hoạch rõ ràng về các biện pháp bảo vệ thị trường tài chính và các công ty cá nhân. Đặc biệt, các mô phỏng về hậu quả của việc áp dụng các hạn chế đã được thực hiện, thị trường tài chính và các công ty lớn nhất đã chuẩn bị đầy đủ cho việc thực hiện chúng. Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, nếu cần thiết sẽ thực hiện các biện pháp bổ sung để đảm bảo ổn định tài chính.
Tối qua (24/2), phát biểu trong cuộc gặp với đại diện của giới kinh doanh, Tổng thống Nga V. Putin nói rõ: “Tất nhiên, tất cả chúng tôi đều hiểu, chúng tôi đang sống trong thế giới nào và bằng cách này hay cách khác, chúng tôi đã chuẩn bị cho những gì đang xảy ra hiện nay với các hạn chế và chính sách trừng phạt”.
Cơ hội nào cho cánh cửa đàm phán giữa hai bên?
Trong chiều ngày 24/2, theo thông báo từ Phủ Tổng thống Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó ông Macron yêu cầu ông Putin chấm dứt ngay lập tức hành động quân sự tại Ukraine. Đây là đối thoại đầu tiên giữa Tổng thống Nga với một nguyên thủ phương Tây kể từ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Điều này cho thấy, các kênh liên lạc giữa Nga và phương Tây chưa bị cắt đứt hoàn toàn.
Tuy nhiên, khả năng để hai bên ngồi lại vào bàn đàm phán và tìm giải pháp chính trị cho khủng hoảng Ukraine vào thời điểm này là không khả thi. Các lãnh đạo phương Tây trong ngày 24/2 đã công kích Nga và cá nhân Tổng thống Vladimir Putin rất quyết liệt. Niềm tin của hai bên vào thời điểm này gần như không còn. Để có thể đối thoại thì bắt buộc cả Nga và phương Tây đều phải xuống thang, nhượng bộ nhưng hiện tại Nga vừa tung ra chiến dịch quân sự toàn diện tại Ukraine nên sẽ không thể ngừng nếu chưa đạt được mục tiêu còn các nước phương Tây cũng đang sục sôi trừng phạt Nga. Có thể có các kênh ngoại giao bí mật nhằm sớm chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine nhưng điều này phụ thuộc nhiều vào diễn biến trên chiến trường.
Giới chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng phía Nga mới chỉ sử dụng một phần nhỏ lực lượng quân đội nước này trong các cuộc tấn công ngày 24/2 còn phần lớn quân Nga vẫn chưa xâm nhập biên giới Ukraine. Do đó, tùy thuộc vào các diễn biến chiến sự trong những ngày tới, tùy thuộc vào mục đích của Nga trên chiến trường, các bên mới có thể tính đến khả năng đàm phán để tìm lối thoát cho cuộc chiến tại Ukraine. Tổng thống Mỹ, Joe Biden trong tối 24/2 cũng khẳng định vào thời điểm này ông không có bất cứ kế hoạch nào đối thoại với Tổng thống Nga, Vladimir Putin.
Về đối thoại giữa Nga và Ukraine, thì thư ký báo chí của Tổng thống Nga Peskov đã tuyên bố, cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Vladimir Zelensky sẽ diễn ra khi Kiev sẵn sàng. Ông Peskov nhắc nhở rằng, Tổng thống Putin đã hình thành tầm nhìn của mình về những gì Nga "mong đợi từ Ukraine để các vấn đề khái niệm "giới hạn đỏ "được giải quyết." Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền Ukraine đã sẵn sàng cho việc này hay chưa? Trước khi tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Donbass, trả lời các phóng viên, nhà lãnh đạo Nga đã nêu điều kiện để giải quyết tình hình với Ukraine, đó là nước này công nhận kết quả trưng cầu ý dân của bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga, tự nguyện từ bỏ gia nhập NATO và phi quân sự hóa ở mức độ nhất định. Nhưng Ukraine đã từ chối những điều kiện này.
Còn về triển vọng đàm phán với phương Tây thì hiện chưa thể dự đoán được, vì các bên đều đang trong trạng thái căng thẳng. Cần có thời gian và phụ thuộc vào cách thức hành xử của các bên để có thể tìm ra cơ hội nối lại đàm phán.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích chính trị Boris Yakemenko, nếu phương Tây cắt đứt quan hệ với Nga, điều đó có nghĩa là cắt đứt quan hệ với một thị trường khổng lồ và một lãnh thổ khổng lồ, mà như vậy đơn giản là không có lợi. Ông nhắc lại rằng, vào những năm 1920, các nước phương Tây tuyên bố sẽ không làm ăn với Liên Xô. Nhưng một vài năm trôi qua, Đức lần đầu tiên lặng lẽ ký kết một hiệp định thương mại và sau đó thiết lập quan hệ ngoại giao. Những người khác đều chạy theo Đức. Bởi vì không thể bỏ lỡ thị trường khổng lồ. Chuyên gia tin rằng, bây giờ tình hình sẽ giống như vậy. Nhất là khi châu Âu vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt của Nga và Moscow cũng là nhà cung cấp dầu cho thị trường thế giới lớn thứ hai, sau Mỹ, chưa kể những thứ khác./.
Theo Quang Dũng (VOV.vn)