"Mục đích của cuộc phóng thử là nhằm kiểm tra độ ổn định của đường bay và hoạt động kỹ thuật của loại thên lửa đạn đạo xuyên lục địa này", tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Topol-M (NATO định danh là SS-27) là thế hệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tối tân, do Viện Công nghệ MIIT của Nga thiết kế dựa trên phiên bản RS-12M Topol của Liên Xô trước đây.
Topol-M có chiều dài 22,7 m, đường kính 1,86 m, trọng lượng 47 tấn và tầm bắn lên đến 11.000 km.
Tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn ba tầng đẩy, được trang bị đầu đạn có sức công phá 500 kilonton (500.000 tấn thuốc nổ TNT), tương đương gần 40 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima.
Theo nhiều nguồn tin quân sự, Nga đã từng phóng thử một nguyên mẫu Topol-M lắp đặt đầu đạn có sức công phá lên đến 1 Megaton nhưng không đưa vào biên chế.
Topol M được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính kỹ thuật số, kết hợp với hệ thống định vị toàn cầu GLONASS, cho phép tên lửa tấn công mục tiêu với phạm vi sai số rất nhỏ (khoảng 350 mét).
Được phóng thử lần đầu tiên vào tháng 12/1994, Topol-M sau đó liên tục được cải tiến, tập trung vào khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến của Mỹ và phương Tây, biến nó trở thành một trong những tên lửa đạn đạo khó bị đánh chặn nhất thế giới.
Topol-M gồm phiên bản phóng từ hầm phóng, được biên chế từ năm 1997 và phiên bản lắp đặt trên xe cơ động đặc chủng, bắt đầu trực chiến vào năm 2006.
So với các loại tên lửa mà Nga đã nghiên cứu trước đây, Topol-M có nhiều tính năng vượt trội như thời gian tác chiến ngắn, độ chính xác cao và có thể bảo quản, sử dụng trong thời gian dài.
Tính đến tháng 3/2012, Nga đang sở hữu tổng cộng 74 tổ hợp tên lửa Topol-M, trong đó 56 tổ hợp lắp đặt ở hầm phóng và 18 tổ hợp lắp đặt trên xe di động.
Theo Nguyễn Hoàng (VnExpress.net)