Trang Malaysia Today dẫn lời một quan chức cấp cao của Không quân Malaysia (RMAF) cho biết: "Những vấn đề liên quan tới tiêm kích Su-30MKM do Nga cung cấp được Bộ trưởng Quốc phòng Mohamad Sabu đưa ra hồi tháng trước không hề liên quan tới những khiếm khuyết trong quá trình bảo dưỡng chúng".
Theo lời vị quan chức này, ban đầu RMAF nhận được sự hỗ trợ tốt từ phía người Nga, nhưng ngay sau đó đã gặp những khó khăn do sự quan liêu của phía Nga gây ra. đặc biệt, phương thức làm ăn của Nga không mang tính công khai hoặc minh bạch so với phương Tây.
"Đáng lẽ ra, Nga phải hỗ trợ chúng tôi trong một thời gian sau khi thực hiện bàn giao máy bay, nhưng họ không nêu ra tất cả tất cả các chi tiết khi hợp đồng được ký kết.
Đặc biệt, tại thời điểm mua nhà sản xuất Nga và Malaysia ký kết hợp đồng, họ không thông báo cho chúng tôi về sự cần thiết phải thực hiện một số hoạt động bảo dưỡng kỹ thuật nhất định sau 10 năm mà chỉ họ mới có thể thực hiện.
Trong khi đó, máy bay Mỹ sản xuất lại dễ vận hành bởi vì hệ thống bảo dưỡng và mua bán của họ rất đơn giản và có kế hoạch rõ ràng, quan chức này cho biết thêm rằng, hiện người Mỹ có chương trình FMS để hỗ trợ chính phủ các nước khi vận hành vũ khí, các thiết bị và dịch vụ quốc phòng và huấn luyện quân sự.
Tất cả điều này cho thấy một thực tế rằng, những gì mua của Mỹ cũng như công tác bảo dưỡng sau đó rất đáng tin cậy", vị đại diện của RMAF tuyên bố.
Phản hồi lại những tuyên bố của Malaysia về việc Nga bán Su-30MKM chất lượng thấp cùng dịch vụ sau bán hàng không tốt, phía Nga đã giải thích rằng lỗi kỹ thuật xảy ra với các máy bay của Irkut của cả Malaysia và Ấn Độ hoàn toàn là do người sử dụng đã làm sai phương pháp vận hành.
Ngoài ra, do nước này không đủ sức bảo dưỡng kỹ thuật cho các chiến đấu cơ mua từ Nga. Trong khi đó, Kuala Lumpur lại vừa chấm dứt đại tu máy bay với một nhà thầu được chính quyền cựu Thủ tướng Najib Razak lựa chọn.
Chính vì vậy, nói nguyên nhân khiến Su-30MKM thê thảm trong lực lượng RMAF do Nga là không thỏa đáng. Đơn cử như Su-30SM của Kazakhstan, quốc gia này không có bất cứ phàn nàn nào về chất lượng của sản phẩm, họ đánh giá máy bay vận hành rất tin cậy và đáp ứng mọi yêu cầu chiến thuật của họ.
Ngoài phương pháp vận hành, việc các khách hàng nước ngoài tích hợp lên máy bay Nga quá nhiều thiết bị ngoại lai như cảm biến của Pháp, màn hình hiển thị hay pod chỉ thị mục tiêu của Israel... cũng được cho là gây ra hiện tượng xung đột hệ thống.
Dù chưa thể khẳng định nguyên nhân thuộc về phía nào nhưng có một thực tế rằng, hiện nay RMAF chỉ còn 4 chiếc Su-30MKM trong tổng số 18 chiếc tiêm kích loại này có thể cất cánh và làm nhiệm vụ.
Để thoát khỏi tình trạng thê thảm này, Không quân Malaysia đang phải gấp rút tìm kiếm giải pháp nội địa để duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu cho phi đội tiêm kích Su-30MKM. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có giải pháp khả thi nào được đưa ra.
Theo Tuấn Vũ (Đất Việt)