Sputnik hôm 6/3 dẫn lời Thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga cho biết: "Chế độ theo đường lối dân tộc chủ nghĩa ở Kiev đang buộc các công nhân trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng Ukraine phải sửa chữa các thiết bị bị tấn công để có thể đưa chúng đến các vùng chiến sự. Để thực hiện mục tiêu phi quân sự hóa Ukraine, các lực lượng vũ trang Nga sẽ hướng các cuộc tập kích có độ chính xác cao vào các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine".
Ông Konashenkov cũng khuyến cáo, những công nhân đang làm việc tại các nhà máy công nghiệp quốc phòng Ukraine nên sơ tán khỏi đó.
Cảnh báo của Bộ Quốc phòng Nga được đưa ra trong bối cảnh Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) bày tỏ "vô cùng quan ngại" trước việc quân Nga siết chặt kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất châu Âu ở Ukraine.
"Ukraine báo cáo rằng, bất kỳ hành động nào của ban quản lý nhà máy, bao gồm cả những biện pháp liên quan đến vận hành kỹ thuật của 6 tổ máy phản ứng, đều cần phải có sự chấp thuận trước của chỉ huy Nga. Trong một diễn biến nghiêm trọng thứ hai, Ukraine cho biết, các lực lượng Nga tại Zaporizhzhia đã tắt một số hệ thống mạng di động và internet để những thông tin đáng tin cậy từ cơ sở này không thể thu thập thông qua các kênh liên lạc thông thường", trích tuyên bố của IAEA.
Nhà chức trách Ukraine tố cáo quân Nga đã thâu tóm quyền kiểm soát nhà máy Zaporizhzhia hôm 4/3 sau khi phóng hỏa một cơ sở đào tạo lân cận. Bộ Quốc phòng Nga đổ lỗi vụ tấn công cho "những kẻ phá hoại người Ukraine" và gọi đó là "hành động khiêu khích tàn ác".
Lãnh đạo IAEA Rafael Grossi bày tỏ lo lắng trước thông tin binh lính Nga buộc các nhân viên nhà máy điện hạt nhân phải làm việc theo lệnh của họ. "Để có thể vận hành nhà máy một cách an toàn và bảo mật, ban quản lý và các nhân viên phải được phép thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của họ trong những điều kiện ổn định mà không có sự can thiệp hoặc áp lực quá mức từ bên ngoài”, ông Grossi giải thích.
Theo Reuters, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc cũng quan ngại về các diễn biến tại một địa điểm khác của Ukraine, đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga: các cơ sở sử dụng nhiên liệu đã qua sử dụng và chất thải phóng xạ tại Chernobyl, bên cạnh nhà máy điện nguyên tử đã bị chấm dứt hoạt động kể từ khi xảy ra vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất thế giới năm 1986.
IAEA nói, hơn 200 người, bao gồm cả các nhân viên kỹ thuật và bảo vệ, vẫn chưa rời Chernobyl kể từ ngày 23/2, thời điểm binh lính Nga giành được quyền kiểm soát nơi này, bất chấp lời kêu gọi của cơ quan về việc luân chuyển nhân viên kỹ thuật ra ngoài vì lí do an toàn. Cơ quan quản lý Ukraine tiết lộ, họ đang đối mặt các vấn đề liên lạc với nhân viên tại đây do quá trình chỉ có thể thực hiện qua thư điện tử.
Trong cuộc điện đàm kéo dài 2 giờ đồng hồ với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron hôm 6/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc, những nỗ lực đổ lỗi cho quân đội Nga về sự cố ở Zaporozhskaya là "một phần của chiến lược tuyên truyền chống Moscow". Lãnh đạo Điện Kremlin quả quyết, ông sẵn sàng tham gia một cuộc họp về an toàn của các nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine, nhưng sự kiện không nên diễn ra ở khu vực Chernobyl như đề xuất của người đứng đầu IAEA.
Đối với đề xuất của ông Grossi về tổ chức một cuộc đối thoại 3 bên giữa IAEA, Nga và Ukraine, ông Putin cho rằng "về nguyên tắc, ý tưởng này có thể hữu ích”, nhưng một sự kiện như vậy tốt hơn nên được tổ chức dưới hình thức họp trực tuyến hoặc ở một nước thứ 3.
Theo Điện Elysee, ông Putin thừa nhận, IAEA cần phải thực hiện các bước khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn cho các nhà máy hạt nhân ở Ukraine, nhưng với điều kiện binh lính Nga tiếp tục quản lý những nơi này "nhằm loại trừ khả năng xảy ra các hoạt động khiêu khích gây hậu quả thảm khốc của những kẻ khủng bố hoặc tân phát xít người Ukraine”.
Nhà lãnh đạo Nga khẳng định, Moscow sẵn sàng đối thoại với Kiev nếu nhà chức trách Ukraine phải “đáp ứng vô điều kiện các yêu cầu của Nga”. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Macron nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp thương lượng “hoàn toàn có thể chấp nhận được đối với người Ukraine”, đồng thời chia sẻ mối quan ngại của ông về một “cuộc tấn công sắp xảy ra” ở thành phố chiến lược Odessa của Ukraine. Trao đổi với các phóng viên Pháp sau cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ, phát ngôn viên Điện Elsysee cho biết, ông Putin đã thể hiện quyết tâm đạt được các mục tiêu của mình, "thông qua đàm phán hoặc chiến tranh".
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)