Theo đài RT (Nga), phát biểu với giới truyền thông hôm 2/2, ông Lavrov nói rằng các nước viện trợ cho Ukraine đang ngày càng lún sâu vào cuộc xung đột theo từng bước và Nga sẽ đáp trả thích đáng.
“Giờ đây, mục tiêu của chúng tôi là đẩy lùi pháo của Lực lượng Vũ trang Ukraine ra một khoảng cách xa, để không tạo ra mối đe dọa đối với lãnh thổ của chúng tôi. Tầm bắn của các vũ khí phương Tây cung cấp cho Kiev càng có tầm bắn xa thì quân đội Nga càng phải đẩy lùi họ ra xa hơn”, Ngoại trưởng Lavrov nói.
Tuyên bố của ông Lavrov được đưa ra sau khi Lầu Năm Góc công bố gói viện trợ quân sự tiếp theo dành cho Ukraine, lần đầu bao gồm Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB), đạn pháo phản lực và đạn có tầm bắn 150 km.
Kiev từ lâu đã kêu gọi các quốc gia phương Tây viện trợ vũ khí có khả năng lớn hơn, chẳng hạn tên lửa đạn đạo MGM-140 ATACMS, có thể tấn công các mục tiêu cách xa tới 300 km.
Theo Ngoại trưởng Nga, những loại vũ khí này sẽ được sử dụng để hỗ trợ Ukraine giành lại các vùng lãnh thổ đã sáp nhập Nga - như Crimea, Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng, cũng như các vùng Kherson và Zaporizhzhia.
Crimea và thành phố Sevastopol đã sáp nhập Nga hồi năm 2014. Trong khi bốn tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia cũng có động thái tương tự hồi năm ngoái. Về phần mình, Kiev bác bỏ các cuộc trưng cầu dân ý và gọi các cuộc bỏ phiếu là “giả tạo”.
Mỹ đã viện trợ quân sự cho Ukraine với điều kiện Kiev không sử dụng các loại vũ khí này để tấn công các mục tiêu ở Nga. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho biết hạn chế này không áp dụng đối với Crimea và các vùng lãnh thổ vừa sáp nhập Nga.
Ông Lavrov nhấn mạnh thực tế là phương Tây không thể kiềm chế, càng bước đi, họ càng sa lầy vào cuộc chiến. Ông mô tả chiến sự đang leo thang giống quả cầu tuyết ngày càng lớn, ban đầu chỉ có mũ sắt và sau đó là những đề xuất gửi máy bay chiến đấu.
Quan chức ngoại giao hàng đầu của Nga cũng bác bỏ tuyên bố của một số quan chức phương Tây rằng Kiev sẽ không mua máy bay chiến đấu do phương Tây sản xuất, với lý do thiếu sự nhất quán trong chính sách của những nước này.
Kiev đang kêu gọi phương Tây cung cấp máy bay quân sự hiện đại để đối phó với Nga, nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo một số nước EU - chẳng hạn Đức - nói rằng điều đó không nằm trong chương trình nghị sự của những quốc gia này.
“Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng tuyên bố rằng NATO sẽ không bao giờ gây chiến với Nga. Nhưng Bộ trưởng ngoại giao của nước này, bà Annalena Baerbock, lại nói rằng ‘chúng ta đã cùng nhau gây chiến với Nga’”, ông Lavrov nói, đề cập đến những bình luận của người đồng cấp Đức vào tuần trước.
Theo ông Lavrov, việc phương Tây tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine đóng vai trò quan trọng trong cách Nga tiếp cận chiến dịch quân sự. Moskva nhiều lần cảnh báo hoạt động này của phương Tây chỉ khiến xung đột leo thang và kéo dài. Ông nhấn mạnh các bên đều muốn chấm dứt xung đột ở Ukraine, song thời gian không phải nhân tố chính.
“Chúng ta đều muốn cuộc chiến này kết thúc, nhưng không ai tìm cách thuyết phục Kiev trở lại bàn đàm phán với Moskva. Yếu tố thời gian không quyết định tất cả, quan trọng là kết quả mà chúng ta mang lại cho người dân, những người vẫn mong muốn là một phần của văn hóa Nga”, ông Lavrov nói.
Ngoại trưởng Lavrov cũng bác bỏ thông tin cho rằng Nga từ chối đàm phán với Ukraine. Ông cho biết Moskva đến nay vẫn luôn để ngỏ hòa đàm.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo báo lực lượng Nga có thể tìm cách giành một chiến thắng nào đó vào dịp một năm mở chiến dịch quân sự. Ông Zelensky cũng thừa nhận lực lượng Ukraine đối mặt “tình hình nghiêm trọng” ở mặt trận miền Đông.
“Chúng tôi đã ghi nhận đối phương tăng cường rõ rệt chiến dịch tiến công ở mặt trận miền đông. Tình hình ngày càng trở nên khó khăn”, Tổng thống Zelensky cho biết trong bài phát biểu tối 1/2, nói thêm rằng lực lượng Nga đang tìm cách giành lợi thế trước thời điểm tròn một năm chiến sự bùng phát.