Ngày 25/5, Nga cho biết đang xúc tiến việc đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật lần đầu tiên ra khỏi biên giới kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết những vũ khí đó đang được di chuyển.
Sau 1 ngày, ông Biden nói rằng ông có phản ứng “cực kỳ tiêu cực” với những báo cáo về việc Nga triển khai kế hoạch đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật sang Belarus. Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích kế hoạch của Nga.
“Nga và Belarus có quyền chủ quyền trong bảo đảm an ninh của mình bằng những phương tiện chúng tôi coi là cần thiết giữa một cuộc chiến tranh hỗn hợp quy mô lớn do Washington phát động chống lại chúng tôi”, Đại sứ quán Nga tại Mỹ nêu rõ trong một tuyên bố.
“Những biện pháp mà chúng tôi triển khai hoàn toàn phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế”, tuyên bố nhấn mạnh.
Mỹ cho rằng thế giới đang đối mặt với mối nguy hiểm hạt nhân nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 vì những phát biểu của Nga từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine. Tuy nhiên, Mátxcơva nói rằng quan điểm của họ đã bị diễn giải sai.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật được dùng để đạt được lợi ích chiến thuật trên chiến trường. Loại vũ khí này thường nhỏ hơn vũ khí hạt nhân chiến lược.
Đại sứ quán Nga cho rằng Mỹ “đạo đức giả” khi chỉ trích kế hoạch của Mátxcơva, cho rằng “trước khi đổ lỗi cho ai, Washington có thể xem lại nội tâm một chút”.
“Trong mấy thập kỷ qua, Mỹ đã duy trì một kho vũ khí hạt nhân lớn ở châu Âu. Cùng với các đồng minh NATO, Mỹ tham gia vào các thỏa thuận chia sẻ hạt nhân và huấn luyện kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại đất nước chúng tôi", Reuters trích tuyên bố.
Mỹ điều vũ khí hạt nhân đến Tây Âu từ khi Tổng thống Dwight D Eisenhower cho phép làm điều này sau Chiến tranh Lạnh để đối phó với Liên Xô. Những vũ khí hạt nhân đầu tiên của Mỹ ở châu Âu được đưa đến Anh năm 1954.
Hầu hết thông tin về việc triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ hiện nay đều được giữ bí mật. Tuy nhiên, theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, Washington có 100 đầu đạn hạt nhân chiến thuật B61 ở châu Âu, tại các quốc gia gồm Ý, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ và Hà Lan.
Theo Bình Giang (Tiền Phong)