Theo Guardian, trong ngày 13/6, pháo binh Nga đã liên tục tấn công các khu vực nội đô và ngoại thành của Severodonetsk, làm nổ tung một cây cầu dẫn bắc qua sông và gần như đã kiểm soát hoàn toàn thành phố này.
"Quân Nga đang tiếp tục tràn vào thành phố, với sự hậu thuẫn từ xa của pháo binh, chúng tôi bị đẩy ra khỏi trung tâm Severodonetsk. Chiến lược của đối phương đã thành công một phần, hiện 70% thành phố đã tuột khỏi tầm tay của những người lính Ukraine", Thống đốc vùng Luhansk - Serhiy Haidai cho biết.
Một phần trong kế hoạch kiểm soát hoàn toàn Severodonetsk của Nga là việc cô lập lực lượng Ukraine còn sót lại, và Moscow đã phá hủy toàn bộ các cây cầu bắc qua sông Siverskyi, chỉ để lại duy nhất một cây cầu ở phía tây. Nếu cây cầu này bị phá hủy, sẽ không còn cách nào để có thể di chuyển tới thành phố lân cận Lysychansk bằng đường bộ.
Kịch bản xấu nhất là Severodonetsk sẽ phải chịu tình cảnh tương tự với Mariupol, nơi hàng trăm người bị mắc kẹt trong nhiều tuần trong các nhà máy thép Azovstal. Nếu không có một biện pháp ổn thỏa, 500 thường dân đang trú ẩn tại nhà máy Azot cũng sẽ bị kẹt lại tại đây.
"Nếu cây cầu cuối cùng sụp xuống, thành phố này sẽ hoàn toàn bị cô lập. Chúng tôi đang cố gắng đàm phán với Moscow về việc đưa thường dân ra khỏi nhà máy Azot, nhưng các cuộc thảo luận về một hành lang an toàn vẫn đang đi vào bế tắc", ông Haidai viết trên Telegram.
Ukraine khẩn thiết yêu cầu nhiều vũ khí hơn nữa
CNN cho biết, trong ngày 13/6, Người phát ngôn của quân đoàn quốc tế Ukraine - Damien Magrou đã lên tiếng kêu gọi nhiều sự giúp đỡ hơn nữa từ phía các đồng minh quốc tế.
Cụ thể, trong cuộc họp báo trực tuyến, ông Magrou nói rằng các nước phương Tây đang sai lầm khi cảm thấy lượng vũ khí mà họ gửi tới là đủ để Kiev giành được lợi thế trước Moscow trong cuộc xung đột. Theo ông Magrou, binh lính Ukraine đang thiếu thốn nghiêm trọng những vũ khí có thể phản công trước pháo binh của Nga, những gì họ đang có không thể lại gần đối phương.
"Dường như nhiều đồng minh nghĩ rằng Ukraine đã có đủ vũ khí để đối đầu với Nga trong cuộc xung đột. Nhưng không phải vậy, chúng tôi không đủ công cụ để lại gần pháo binh Nga.
Xin hãy gửi thêm các hệ thống pháo hạng nặng, tên lửa tầm xa, tên lửa chống hạm, tất cả đều đang cần thiết ngay lúc này. Càng chờ đợi lâu, thương vong mà binh lính Ukraine phải chịu càng lớn", ông Damien Magrou cho biết.
Ukraine tìm con đường xuất khẩu lương thực mới
Theo CNN, một tàu chở ngô từ Ukraine đã cập bến tại Tây Ban Nhà vào sáng 13/6, đây là thành công bước đầu trong việc tìm kiếm "tuyến hàng hải mới" nhằm chống lại việc Nga phong tỏa các bến cảng tại Biển Đen.
Cụ thể, con tàu mang tên Alppila đã cập cảng Coruña thành công, mang theo 18.000 tấn ngô. Số lượng thực này sẽ được dỡ xuống và chuyển đi trong ngày hôm sau. Đây được coi là một nỗ lực trong việc xác định các tuyến đường thay thế để xuất khẩu lương thực từ Ukraine, trong bối cảnh cuộc xung đột có thể đẩy tới 49 triệu người vào nạn đói vì tác động tàn phá của nó đối với nguồn cung và giá cả lương thực toàn cầu.
Trẻ em sơ tán từ Ukraine bắt đầu đi học tại Nhật Bản
Theo NHK, 4 trẻ em trong độ tuổi từ 8-13 thuộc các gia đình sơ tán từ Ukraine đã bắt đầu đi học ở thị trấn Takamori. Trong buổi học đầu tiên vào sáng 13/6, 4 học sinh có vẻ hơi lo lắng, nhưng sự nhiệt tình từ bạn học đã giúp các em có ngày đầu tiên tới trường thuận lợi.
Chính quyền Takamori cho biết, các học sinh từ Ukraine sẽ đi học 3 buổi/tuần, các em sẽ học chung lớp thể dục và Mỹ thuật với học sinh Nhật Bản, thời gian còn lại dùng để học ngôn ngữ.
Theo Việt Dũng (VietNamNet)