Nga gửi khu trục hạm chống ngầm tới biển Đông

31/08/2016 10:33:00

Tuần này, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga sẽ gửi một số chiến hạm và tàu khu trục tới Trung Quốc để chuẩn bị tập trận chung với nước này trên biển Đông.

Tuần này, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga sẽ gửi một số chiến hạm và tàu khu trục tới Trung Quốc để chuẩn bị tập trận chung với nước này trên biển Đông.

Thư ký báo chí quân khu miền Đông Hạm đội Thái Bình Dương của Nga Vladimir Matveyev thông báo: “Vào đầu tháng 9, một hạm đội gồm các tàu chống ngầm Đô đốc Tributs và Đô đốc Vinogradov, tàu đổ bộ Peresvet, tàu tiếp liệu Pechenga sẽ trực chỉ TP Trạm Giang – Trung Quốc”.

Đô đốc Tributs và Đô đốc Vinogradov là 2 khu trục hạm chống ngầm lớp Udaloy I, ban đầu được chế tạo cho quân đội Liên Xô cũ. Chúng cũng có khả năng chống hạm và được trang bị tên lửa siêu thanh P-270 Moskit (NATO gọi là SS-N-22 Sunburn).

Còn Peresvet là tàu đổ bộ bãi biển lớp Ropucha, mang được trọng lượng hàng hóa lên đến 450 tấn. Ngoài ra, Peresvet chở được 10 xe tăng chiến đấu chủ lực hoặc 12 xe bọc thép cộng thêm 230-340 binh sĩ.

Theo ông Matveye, nội dung tập trận gồm chống phá hoại, chống tàu ngầm, phòng không, bảo vệ chống tàu và tập bắn pháo vào các mục tiêu trên không.

Tàu Đô đốc Vinogradov. Ảnh: TASS
Tàu Đô đốc Vinogradov. Ảnh: TASS

Hạm đội Nga triển khai tới Trạm Giang – nơi đóng quân của Hạm đội Nam Hải trực thuộc hải quân Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) - dường như không bao gồm tàu ngầm.

Các chuyên gia phân tích cho rằng Moscow muốn duy trì cân bằng đối với các tranh chấp hàng hải ở biển Đông. Đây có thể là lý do hạm đội Nga đến tập trận tương đối nhỏ và không thấy những tàu chiến mới nhất của hải quân nước này.

Trung Quốc và Nga đã tổ chức 6 cuộc tập trận hải quân chung kể từ năm 2005, trong đó Bắc Kinh giữ vai trò nhà tổ chức Joint Sea 2012. Năm 2015, 2 nước thực hiện các cuộc tấn công mô phỏng vào biển Nhật Bản cùng một cuộc tập trận nhỏ hơn ở Địa Trung Hải. Moscow và Bắc Kinh còn tham gia các cuộc tập trận ba bên và đa phương, chẳng hạn cuộc tập trận dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Theo báo cáo năm 2016 của Lầu Năm Góc về các hoạt động quân sự của Trung Quốc, cuộc tập trận hải quân Trung – Nga hồi năm ngoái bao gồm 2 phần chính: giai đoạn một ở Địa Trung Hải tập trung vào việc bảo vệ các tuyến đường biển (SLOC) và chống khủng bố; giai đoạn hai ở biển Nhật Bản tập trung vào hoạt động đổ bộ, phòng không chung, chống hạm.

Theo P.Nghĩa (Nld.com.vn)

Nổi bật