Dù thận trọng với đề nghị được mua tăng Armata của Trung Quốc nhưng Nga vẫn liên tiếp đưa ra thông tin khác nhau về giá thành khiến khách hàng tò mò.
‘Tung hỏa mù’ khách hàng
Hãng RIA Novosti ngày 1/3 dẫn lời Phó chủ tịch Ủy ban Công nghiệp quốc phòng Liên bang, Oleg Bochkarev cho biết, nhờ có kết cấu đơn giản, giá thành của dòng xe tăng thế hệ mới Armata sẽ thấp hơn so với nhiều dòng xe tăng hiện tại. Tuy nhiên, Armata vẫn có khả năng chiến đấu vượt trội.
Ông O. Bochkarev khẳng định: “Chúng tôi đang phát triển theo hướng đơn giản hóa một số hệ thống trên Armata. Nếu cố gắng theo đuổi các tính năng thiết kế ban đầu sẽ yêu cầu mức giá thành rất cao. Việc đơn giản hóa, mà không làm giảm đi tính năng của chúng sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều về chi phí”.
Được biết, ngay trước khi đưa ra tuyên bố lần này, chính ông O. Bochkarev từng tuyên bố, giá thành của Armata quá cao so với mức dự tính ban đầu.
|
Mô hình siêu tăng Armata.
|
Theo hợp đồng với nhà máy Uralvagonzavod, Armata xuất hiện chỉ sau 3 năm lên thiết kế và có thể đưa vào biên chế ngay trong năm 2015. “Sau khi làm việc với nhà thiết kế, chúng tôi đã yêu cầu họ tìm cách hạ giá thành”, ông O. Bochkarev nói.
Theo đại diện Uralvagonzavod khẳng định, để sở hữu xe tăng Armata tính năng cao, thì không thể có mức giá thấp được.
“Do được áp dụng các công nghệ và giải pháp tiên tiến chưa có tiền lệ, giá của xe tăng Armata sẽ tự nhiên cao hơn so với thế hệ xe tăng trước đó”, lãnh đạo Uralvagonzavod cho biết. Ông này cũng nhấn mạnh, Uralvagonzavod sẽ cố gắng giảm giá thành của xe tăng Armata trước khi sản xuất quy mô lớn.
Liên tiếp thông tin về giá thành và tính năng của Armata được Nga đưa ra có thể khiến Trung Quốc – quốc gia đầu tiên ngỏ ý muốn mua dòng tăng này phải ‘bối rối’.
Cũng giống như hệ thống phòng không S-400 và tiêm kích Su-35, Nga cũng tuyên bố không 'vội vàng' với lời đề nghị mua tăng Armata từ Trung Quốc và không thể bán với số lượng ít, đây là khẳng định của Phó Chủ tịch Ủy ban nghị viện Nga kiêm Phó chủ tịch thứ nhất Hiệp hội chế tạo cơ khí Nga.
Ông này cũng cho biết thêm rằng, cần phải xem xét đến lợi ích của Quân đội Nga, phải đưa việc thay thế mới vũ khí trang bị của Quân đội Nga là nhiệm vụ ưu tiên, sau đó mới có thể cung cấp vũ khí này cho đối tác chiến lược, nước láng giềng cũng như các nước trong tổ chức hợp tác Thượng Hải.
Cắt giảm tính năng
Dù không tuyên bố giữa phiên bản xuất khẩu và phiên bản dùng trong nước của tăng Armata có gì khác nhưng từ hệ thống S-400, Iskander-E và dòng tiêm kích Su-35 được Nga chào bán cho thấy, phiên bản xuất khẩu của Armata chắc chắn sẽ rất khác với phiên bản dùng trong quân đội Nga.
Với trường hợp Su-35 bán cho Trung Quốc, Nga đã cắt giảm nhiều tính năng của dòng tiêm kích này. Su-35 giản hóa dùng để xuất khẩu sẽ bao gồm một trong số 4 phương án sau đây: Chỉ lắp đặt động cơ 117S, không áp dụng kỹ thuật đẩy vector, không có radar mảng pha IRBIS-E.
Với phương án này thì Su-35 chỉ có tốc độ cao nhưng không linh hoạt, không có radar IRBIS-E làm cho khả năng tác chiến kém đi rất nhiều.
Không lắp đặt động cơ 117S, còn lại giống phiên bản sử dụng trong quân đội Nga. Với phương án này thì Su-35 trở nên rất bình thường, tốc độ thấp, tính linh hoạt không cao.
Chỉ loại bỏ hệ thống động lực vector, còn lại giống như phiên bản của Nga. Với động cơ 117S không có hệ thống động lực vector thì Su-35 chỉ đạt tốc độ cao nhưng không linh hoạt.
Ngoài Su-35, trong phiên bản xuất khẩu của hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander cũng đã có khác biệt rất lớn. Theo đó, trong khi phiên bản Iskander-M dùng trong Quân đội Nga đạt tầm bắn lên tới gần 500km thì ở phiên bản xuất khẩu Iskander-E chỉ có tầm bắn khoảng 280km.
Từ những thông tin này, Daily Mail nhận định, với những tính năng của một 'siêu tăng' của Armata như Nga công bố thì giá thành không thể thấp.
Vì vậy, gần như chắc chắc rằng phiên bản xuất khẩu của dòng tăng này sẽ có khác biệt rất lớn với phiên bản nội địa và việc Nga đưa ra thông tin ‘bất nhất’ về giá thành của Armata nhằm tạo sự quan tâm của khách hàng.
Theo Hòa Sơn (Dân Việt)