Nga đình chỉ tham gia hiệp ước START sẽ gây ra hậu quả thế nào?

08/03/2023 13:34:12

Ngày 28/2, Tổng thống Vladimir Putin đã ký luật đình chỉ sự tham gia của Nga vào Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược tấn công chiến lược (START) và có hiệu lực vào ngày công bố chính thức. Vậy việc này có thể dẫn đến hậu quả như thế nào đối với an ninh, ổn định chiến lược trên toàn cầu?

Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược được ký kết giữa Nga và Mỹ vào ngày 8/4/2010 tại Praha. Nó hoạt động từ năm 2011, đến tháng 2/2021 được gia hạn thêm 5 năm. Lúc đó, quyết định gia hạn hiệp ước là một thành công đối với quan hệ Nga-Mỹ, vốn đã không ở trong tình trạng tốt nhất. Mỗi bên, theo các điều khoản của tài liệu, phải giảm kho vũ khí hạt nhân của họ để trong bảy năm và sau đó, tổng số vũ khí sẽ không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng đã triển khai và chưa triển khai.

Nga đình chỉ tham gia hiệp ước START sẽ gây ra hậu quả thế nào?
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M trong lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ của Nga tháng 5/2019. Ảnh: AP

Tuy nhiên, đến ngày 8/8/2022, Nga đã thông báo cho Mỹ về việc tạm thời rút các cơ sở của mình khỏi cuộc kiểm tra của START. Moscow cáo buộc Washington đang tìm cách "tạo lợi thế đơn phương" và tước bỏ "quyền thực hiện các cuộc thanh tra trên đất Mỹ" của Nga. Tuyên bố chỉ ra rằng, Moscow đã gặp khó khăn khi thực hiện thanh tra trên đất Mỹ do các lệnh trừng phạt của phương Tây, bao gồm việc đóng cửa không phận đối với máy bay Nga và hạn chế thị thực. Moscow cũng đề cập sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ là một nguyên nhân. Về phía Mỹ, vào cuối tháng 1 vừa qua, Bộ Ngoại giao nước này lần đầu tiên trong lịch sử cáo buộc Nga vi phạm START khi từ chối cho phép thanh tra và từ chối yêu cầu họp để thảo luận về các vấn đề tuân thủ.

Do đó, theo các chuyên gia, việc Tổng thống Putin tuyên bố, Nga dừng tham gia START không có gì bất ngờ, mà chỉ là chính thức hóa, sau một thời gian nó không hoạt động. Theo thành viên của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai Gabor Stir, tuyên bố về việc ngừng tham gia START-3 là một thông điệp rõ ràng gửi tới phương Tây rằng, Nga sẵn sàng cho bất cứ điều gì để bảo vệ đất nước và lợi ích của mình. Chuyên gia này cũng kêu gọi đừng quên rằng, sự ổn định chiến lược đã dao động trong ít nhất 10 năm, kể từ khi Mỹ rút khỏi một số hiệp ước. Vì vậy, sự đáp trả của Nga là hợp lý và dự đoán được.

Trong vòng hơn 10 năm, Mỹ đã lần lượt rút khỏi 3 hiệp ước quan trọng liên quan kiểm soát vũ khí. Cuối tháng 11/2020 Mỹ đã rút khỏi hiệp ước Bầu trời mở, với sự tham gia của 35 quốc gia, bao gồm Mỹ và Nga, cho phép thực hiện các chuyến bay giám sát trên không phận của nhau. Tuy nhiên, cả Moscow và Washington thường xuyên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận. Trước đó, cuối tháng 10/2018, Mỹ cũng là nước đi trước, khi tuyên bố rút khỏi hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung(INF) với Nga. Còn hồi năm 2001 Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM).

Trên thực tế, số phận của hiệp ước START từng bị đe dọa dưới thời Tổng thống Mỹ D.Trump, khi ông cố gắng lôi kéo Trung Quốc tham gia vào thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân, nhưng đã thất bại. Kết quả là chính quyền của tân Tổng thống J.Biden đã từ bỏ ý tưởng này và gia hạn thỏa thuận với sự tham gia của chỉ Mỹ và Nga. Bây giờ, như Tổng thống Putin đã lưu ý, NATO đặt mục tiêu gây thất bại chiến lược đối với Nga. Do đó, việc quay trở lại thực hiện hiệp ước là không thể, nếu không tính đến tiềm năng hạt nhân không chỉ của Mỹ, mà còn của các thành viên khác của NATO.

Các cường quốc hạt nhân ngoài Mỹ là Anh và Pháp. Tuy nhiên, theo giới phân tích, thật khó để tưởng tượng một tình huống mà London hoặc Paris tự nguyện đảm nhận các nghĩa vụ mới trong lĩnh vực vũ khí đối với Nga. Còn Mỹ, dường như, trong các điều kiện hiện tại, cũng sẽ không quá sốt sắng trong việc cố gắng đồng ý về nối lại START. Điều này có nghĩa là hiệp ước, theo đó sự ổn định toàn cầu trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân được duy trì trong những năm gần đây, có thể hoàn toàn không còn tồn tại. Trên con đường chạy đua vũ trang, nếu không phải là định lượng, thì là công nghệ, những trở ngại về hình thức sẽ không còn.

Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn diện về Châu Âu và Quốc tế tại Trường Đại học Kinh tế Nga Dmitry Suslov tin rằng, sẽ không có hậu quả nào trong tương lai gần, nhưng theo thời gian, cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân có thể tiếp tục. Ông cho rằng, Mỹ sẽ bắt đầu hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình, nhưng điều này sẽ mất nhiều năm.

Về phần mình, như Bộ Ngoại giao Nga đã tuyên bố, Moscow vẫn tuân thủ hạn chế về số lượng theo quy định trong START. Còn quyết định đình chỉ sự tham gia của Nga có thể được đảo ngược, nhưng Washington cần thể hiện thiện chí vì mục đích giảm leo thang chung và tạo điều kiện để khôi phục hoạt động đầy đủ của Hiệp ước./.

Sinh tồn ở nơi "hơi thở cũng hóa đá": Những bữa tiệc xa hoa như nhà hàng phục vụ ai giữa cái lạnh -50 độ?