Vũ khí Nga chiếm 88% khối lượng vũ khí nhập khẩu của Việt Nam
Mới đây, Trợ lý Tổng thống Nga về hợp tác kỹ thuật- quân sự là ông Vladimir Kozhin đã thông báo rằng, Moscow và Hà Nội đang đàm phán về các hợp đồng quân sự mới phục vụ mục đích củng cố hơn nữa mối quan hệ hợp tác quân sự gần gũi giữa hai nước.
Bình luận về tuyên bố này, ông Andrei Frolov, tổng biên tập tạp chí ‘Xuất khẩu vũ khí Nga’ (Arms Export) khẳng định, các hợp đồng mua sắm song phương với Việt Nam chiếm một vị trí quan trọng trong cấu trúc xuất khẩu vũ khí và thiết bị quân sự của Nga.
Xét về tổng thể các lĩnh vực, vị trí của vũ khí Liên Xô/Nga tại Việt Nam vẫn là rất vững vàng, và trong số các hợp đồng lớn được ký kết gần đây có thể nhắc đến thỏa thuận về cung cấp cho Hà Nội các xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S và xe tăng chỉ huy T-90SK của Nga - ông Frolov nói.
Mặc dù Trợ lý của Tổng thống Nga Kozhin không cho biết chi tiết về nội dung cuộc đàm phán giữa Moscow và Hà Nội, nhưng, có cơ sở để cho rằng, ở đây nói về các loại thiết bị quân sự mới cho không quân hoặc lục quân (chiến đấu cơ và xe tăng). Ngoài ra, hai bên có thể đàm phán về việc cung cấp tàu chiến (tàu mặt nước) cho Hải quân Việt Nam.
Ở đây có thể nhắc nhở về bản hợp đồng đã được ký kết vào cuối thập niên 90, đó là Nga đã cung cấp cho Việt Nam hai tổ hợp tên lửa bờ đối hạm K-300P Bastion-P, với tên lửa siêu âm P-800 Yakhont (bản xuất khẩu của P-800 Oniks, Onyx) để đối phó với các loại tàu chiến của đối phương.
Ngoài ra, có thể kể đến hợp đồng đã được thực hiện gần đây về cung cấp 6 tàu ngầm dự án 636,1. Từ năm 2013 - 2017, Nga đã hoàn tất chuyển giao cho Việt Nam 6 tàu ngầm động cơ diesel - điện lớp Varshavyanka (Kilo), có khả năng tác chiến chống hạm, đối đất và chống ngầm.
Theo vị chuyên gia này, hợp đồng về cung cấp các tàu ngầm là lớn nhất trong ngành xuất khẩu tàu chiến của Nga, vì thỏa thuận này bao gồm cả việc xây dựng căn cứ hải quân, trung tâm huấn luyện tàu ngầm, nhà máy sửa chữa và hàng loạt các hạng mục khác có liên quan.
Ông Frolov nhận định, những hợp đồng lớn này dẫn đến thực tế rằng, trong những năm 2012-2016, các sản phẩm của Nga chiếm 88% tổng khối lượng vũ khí nhập khẩu của Việt Nam và đó chủ yếu là các phương tiện chiến đấu chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Nga cần chuẩn bị cho yêu cầu ‘nội địa hóa’ vũ khí của Việt Nam
Mặc dù đánh giá cao những thành công của xuất khẩu vũ khí Nga vào thị trường Việt Nam, nhưng chuyên gia Andrei Frolov nhấn mạnh rằng, Nga không nên thỏa mãn với thành quả này, bởi vì tất cả các nhà sản xuất vũ khí trên thế giới hiện đều muốn lọt vào Nam Á.
Andrei Frolov cho biết, trong những năm gần đây Việt Nam thực thi chính sách đa phương hóa hợp tác quân sự, đa dạng hóa các nhà cung cấp vũ khí. Điều này dẫn đến thực tế rằng, ngành công nghiệp quốc phòng và xuất khẩu vũ khí Nga đã phải chịu một số thất bại ở nước này.
Ví dụ, với súng trường tự động, tập đoàn sản xuất súng trường nổi tiếng "Kalashnikov" của Nga đã bị một công ty quốc phòng của Israel đánh bại trong thương vụ đấu thầu cung cấp súng trường tấn công mới, kết quả là Việt Nam không mua súng trường của Nga.
Theo chuyên gia Nga, điều đó cho thấy rằng, dù Moscow và Hà Nội có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống từ thời Liên Xô, nhưng Việt Nam sẽ không đặt cược tất cả vào vũ khí Nga, mà sẽ mua những gì mà nước này nhận định là tốt nhất cho mình.
Do đó, để giành phần thắng ở thị trường này, Nga cần phải đề xuất phương án cung cấp vũ khí tối ưu cho mỗi khách hàng. Điều này có thể học hỏi ở chiến lược của Ấn Độ là việc New Dehli đưa ra điều kiện nội địa hóa các loại vũ khí theo nguyên tắc ‘Made in India’.
Vị chuyên gia Nga lưu ý, Việt Nam chưa thực thi chính sách rõ ràng nhằm nội địa hóa các cơ sở sản xuất vũ khí Nga trên lãnh thổ nước mình (có thể xuất phát từ nguyên nhân là một số ngành khoa học quân sự cơ bản của Việt Nam chưa bắt kịp với yêu cầu sản xuất vũ khí hiện đại).
Trên thực tế, điều đó đơn giản hóa việc ký kết bất kỳ hợp đồng quân sự nào với Hà Nội. Nhưng Nga không nên thỏa mãn với những điều kiện dễ dàng như vậy, bởi trước sau gì nền khoa học của Việt Nam cũng sẽ có bước tiến mới và việc tự sản xuất vũ khí là yêu cầu tất yếu khách quan.
Do đó, mặc dù vào thời điểm hiện nay, Việt Nam không đưa ra yêu cầu nội địa hóa sản xuất, điều này không có nghĩa là trong tương lai gần sẽ không có đòi hỏi như vậy. Do đó, Nga cần chuẩn bị từ trước cho tình huống này - vị tổng biên tập tạp chí Xuất khẩu vũ khí Nga khẳng định.
Theo Toàn Thắng (Đất Việt)