Thông tấn TASS dẫn lời người phát ngôn của Đại sứ quán Nga tại Anh nói với truyền thông Nga rằng London vẫn tiếp tục từ chối hợp tác với Moscow trong việc điều tra vụ doanh nhân người Nga Nikolai Glushkov bị ám sát và vụ cựu điệp viên cơ quan tình báo quân đội (GRU) Sergei Skripal và con gái Yulia bị đầu độc.
"Anh vẫn tiếp tục giữ im lặng, từ chối đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi của Văn phòng Tổng công tố Nga và Đại sứ quán về những tiến triển liên quan tới đề nghị của Moskva về vụ ám sát công dân Nga, cũng như âm mưu sát hại các công dân Nga trên lãnh thổ Anh" - người phát ngôn Đại sứ quán Nga tại Anh nhấn mạnh.
Đại sứ quán Nga cũng thể hiện quan điểm cho rằng chính Anh đang cản trở việc tìm ra sự thật của vụ đầu độc.
Thông báo nêu: "Chúng tôi phải cho rằng, Anh đang thể hiện một mức độ hợp tác "bằng 0" trong việc điều tra những vụ án nổi tiếng này. Chúng tôi tin rằng điều này có hại cho các hoạt động thực thi pháp luật nhằm tìm ra sự thật và khôi phục công lý".
Đại sứ Nga tại Vương quốc Anh Alexander Yakovenko tuyên bố: "Xem xét tất cả các sự kiện, bây giờ chúng tôi có nhiều lý do, hội đủ điều kiện đẻ cho rằng đây là vụ bắt cóc 2 công dân Nga. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm sự thật và yêu cầu câu trả lời từ phía Anh".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 15/6 cho rằng, cơ quan tình báo của Anh có thể liên quan đến vụ việc đầu độc cựu điệp viên Nga tại Salisbury.
Theo đó, bà Zakharova cho rằng, toàn bộ câu chuyện về hai cha con nhà Skripal được chính phủ Anh khơi gợi nhằm đạt được một số mục tiêu nhất định.
"Toàn bộ vụ việc đã được chính phủ Theresa May đưa ra nhằm cố gắng đạt được các mục tiêu chính trị nội bộ và dường như chứng minh rằng nước Anh đang đi đầu trong hoạt động chính trị đối ngoại.
Tình huống này xác nhận rõ động cơ khiêu khích của chính quyền Anh và mong muốn rõ ràng của họ là sử dụng trường hợp Skripal, dàn dựng cho mục đích chống Nga của riêng họ" - bà Zakharova tuyên bố.
"Ngoài ra, các quan chức Anh, kể cả các dịch vụ tình báo, có thể tham gia vào vụ đầu độc đầy khiêu khích ở Salisbury" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Bà Maria Zakharova lưu ý rằng, nếu chất độc được sử dụng ở Salisbury thuộc loại Novichok, được phát triển trong thời kỳ Liên Xô thì công thức của nó được công bố vào những năm 1990 và bị nhiều phòng thí nghiệm quân sự trên khắp thế giới tái chế dưới nhiều hình thức.
Vào ngày 3/4- tức là 1 tháng sau khi xảy ra vụ việc, ông Gary Aitkenhead, Trưởng phòng thí nghiệm hóa học quân sự của Anh tại Porton Down, cách Salisbury 10 km, thừa nhận rằng ông không có bằng chứng cho thấy chất độc trong vụ Skripal đến từ Nga.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Boris Johnson trước đó đã đảm bảo rằng, sớm nhất là ngày 19/3 phòng thí nghiệm đã xác nhận nguồn gốc của Nga về chất độc đã dùng cho hai cha con nhà Skripal.
Theo Sơn Dương (Đất Việt)