Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định việc Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân với Nga là "một bước đi nguy hiểm".
"Tôi chắc chắn rằng (động thái này) không những không nhận được sự thấu hiểu của cộng đồng quốc tế mà nó còn đối mặt làn sóng chỉ trích thậm tệ", ông Ryabkov trả lời hãng thông tấn Nga TASS hôm 21/10.
Thứ trưởng Ryabkov nhấn mạnh hiệp ước được Washington và Moscow ký kết trong thời Chiến tranh Lạnh "vô cùng quan trọng đối với an ninh quốc tế và an ninh trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân, hướng đến việc duy trì sự ổn định mang tính chiến lược".
Ông Ryabkov đồng thời lên án nỗ lực của Mỹ trong việc buộc các nước khác phải nhượng bộ "bằng cách tống tiền".
Nếu Mỹ tiếp tục hành xử "vụng về và thô lỗ", đơn phương rút khỏi các thỏa thuận quốc tế, "thì chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài thực hiện các biện pháp đáp trả, gồm các động thái liên quan đến công nghệ quân sự", thứ trưởng Nga trả lời hãng tin RIA Novosti.
"Nhưng chúng ta không muốn tiến đến bước này", ông cho biết thêm.
Hôm 20/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận kế hoạch của Mỹ là rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) được Washington và Moscow ký kết vào năm 1987.
"Chúng ta là những người ở lại thỏa thuận và chúng ta tôn trọng nó, nhưng không may Nga thì không. Vì vậy chúng ta sẽ rút khỏi thỏa thuận", ông Trump nói.
Phản bác lại cáo buộc của tổng thống Mỹ, Thứ trưởng Ryabkov khẳng định Nga "tuân theo thỏa thuận một cách nghiêm túc nhất". "Chúng tôi đã rất kiên nhẫn trong nhiều năm, Mỹ mới chính là bên vi phạm rõ ràng", ông Ryabkov đáp trả.
Theo kế hoạch, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton sẽ đến Moscow vào ngày 21/10.
"Chúng tôi hy vọng ông Bolton sẽ phát biểu (về vấn đề này) trong chuyến thăm một cách rõ ràng và cụ thể hơn về ý định của Mỹ", ông Ryabkov nói.
Trước đó, một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga tiết lộ với báo chí rằng động thái rút khỏi thỏa thuận hạt nhân của Mỹ có liên quan đến "giấc mơ về một thế giới đơn cực" mà Washington đang theo đuổi.
"Rõ ràng sự tồn tại của Hiệp ước INF là rào cản ngăn Mỹ hướng đến mục tiêu thống trị trong lĩnh vực quân sự", Thứ trưởng Ryabkov nhận định.
Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung được cựu tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký vào năm 1987, trong đó thống nhất loại bỏ tên lửa hạt nhân có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km. Các bên đồng ý giải giáp gần 2.700 tên lửa hạt nhân tầm gần và trung, chấm dứt thế đối đầu hạt nhân nhiều rủi ro giữa Mỹ và Liên Xô tại châu Âu.
Để chính thức rút khỏi hiệp ước này, Mỹ sẽ mất khoảng 6 tháng.
Theo Chi Mai (Tri Thức Trực Tuyến)