Tàu sân bay mới của Nga sẽ lớn nhất thế giới với diện tích bằng 3 sân bóng đá.
Hàng không mẫu hạm mới lớp Shtorm của Nga sẽ có diện tích bằng 3 sân bóng đá gộp lại, tranh ngôi “tàu sân bay lớn nhất thế giới” với tàu lớp Nimitz của Mỹ.
Mô hình tàu sân bay Shtorm của Nga. |
Siêu tàu sân bay này sẽ sử dụng năng lượng hạt nhân với thủy thủ đoàn gồm 4.000 người và có sức chở khoảng 90 máy bay chiến đấu, gấp 3 tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov mà Nga đang sở hữu.
Kế hoạch tàu sân bay mới được xây dựng để "vượt mặt" tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ.
Theo đó, tàu sân bay lớp Shtorm, hay còn gọi là Dự án 23E00E, có giá lên tới 17,5 tỷ USD mỗi chiếc và sẽ được đưa vào hoạt động năm 2030.
Báo giới Nga tiết lộ thêm, các tàu sân bay lớp Shtorm sẽ sử dụng năng lượng hạt nhân, có sức chở khoảng 90 máy bay chiến đấu và thủy thủ đoàn gồm 4.000 người. Siêu tàu sân bay mới của Nga sẽ trang bị loại máy bay chiến đấu Sukhoi T-50.
Tàu sân bay lớn nhất của Nga sẽ ngốn 17,5 tỷ USD. |
Kế hoạch phát triển tàu sân bay mới của Nga nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển của Tổng thống Vladimir Putin đến năm 2025, các hạm đội của Hải quân Nga sẽ cân bằng với lực lượng các nước khác và đủ khả năng giải quyết các vấn đề trên biển.
Mục tiêu này đòi hỏi Hải quân Nga sẽ triển khai các hạm đội ở tất cả các khu vực chiến lược quan trọng của đại dương và tăng cường sức mạnh của các hạm đội này bằng lực lượng vũ khí hạt nhân của họ.
Tổng thống Nga đề nghị rằng, trong vòng 3 năm tới, tức đến năm 2020 các hạm đội của Hải quân Nga phải được hiện đại hóa và trang bị lại khoảng 70%. Tổng thống Putin đánh giá đây không phải là mục tiêu quá khó khăn.
Có thể thấy quyết tâm hiện đại hóa và phát triển mở rộng Hải quân Nga đang được chính phủ nước này thúc đẩy mạnh mẽ hơn lúc nào hết.
Tàu sân bay Nga có sánh ngang hay sẽ hơn Mỹ?
Dẫu tuyên bố chi tiết về kế hoạch đóng mới, các thông số kỹ thuật cho thấy tàu sân bay lớp Shtorm được đánh giá không quá cao như Điện Kremlin công bố mà nói riêng về kích thước chỉ so sánh tương đương với tàu lớp Nimitz của Mỹ.
Giáo sư Vadim Kozyulin tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách của Nga thừa nhận tàu sân bay mới của nước này được xây dựng dựa trên thiết kế của tàu sân bay USS Gerald R Ford của Mỹ. Giáo sư Kozyulin cho biết: “Đây sẽ là một sân bay nổi hoạt động cùng một đội tàu chiến”.
Nâng cấp tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov hiệu quả hơn đóng tàu sân bay mới. |
Hệ thống phóng máy bay trên tàu sân bay Shtorm cho phép triển khai ba máy bay chiến đấu trong một phút, tương tự với tàu sân bay của Mỹ. Hiện tại, hệ thống phóng máy bay của Nga chỉ cho phép một máy bay xuất phát trong một phút.
Giá của mỗi tàu sân bay này từ khoảng 6,1 - 17,5 tỷ USD, mặc dù giá thành thực tế có thể cao hơn vì cần xây dựng rất nhiều cơ sở hạ tầng trước khi có thể đi vào sản xuất loại tàu sân bay này.
Nga mới chỉ có 1 tàu sân bay có sức chứa 30 máy bay, chạy bằng hơi nước và có thủy thủ đoàn là khoảng 1.700 người.
Nhưng Mỹ đã có 10 tàu sân bay lớp Nimitz, với hai chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân, có thể mang theo 90 máy bay và trực thăng và có thủy thủ đoàn lên tới 5.000 người.
Trong khi đó, Chủ tịch Công đoàn Cựu chiến binh Hải quân Nga Viktor Blytov lại cho rằng, Nga không cần quá chú trọng vào việc phát triển tàu sân bay bởi trước nay vẫn hoạt động hiệu quả bằng tàu ngầm.
Ông Blytov đưa ra nhận định này khi đánh giá về việc Nga cân nhắc đánh giá hiệu quả nâng cấp tàu sân bay duy nhất hiện nay Đô đốc Kuznetsov hay sẽ đóng một tàu sân bay mới.
"Việc lắp đặt các thiết bị điện tử, liên lạc hiện đại và thay thế các máy bay chiến đấu sẽ tiêu tốn của Nga khoảng 40 tỉ rúp, tương đương 715 triệu USD. Con số này không quá lớn như ta nghĩ", ông Viktor Blytov, chủ tịch Công đoàn Cựu chiến binh Hải quân Nga cho biết.
Còn chi phí để đóng một tàu sân bay mới sẽ khiến Nga phải mất ít nhất cũng 5 tỉ USD.
Ông Viktor Blytov cho biết thêm, khoản ngân sách mà chính phủ đã dành ra để nâng cấp tàu sân bay "sẽ đủ để đảm bảo quá trình bảo dưỡng và sửa chữa được diễn ra để tàu có thể sẵn sàng làm nhiệm vụ". Vì vậy, chương trình đóng tàu sân bay mới của Nga cần xem xét lại.
Tàu sân bay mới của Nga khó có thể thành hiện thực. |
Tạp chí quốc phòng Business Insider (Mỹ) cho rằng, ngoài vấn đề về tiền bạc, nguyên nhân chính khiến Nga đặt số phận chương trình đóng tàu sân bay mới lên bàn cân nằm ở kỹ thuật và cơ sở vật chất.
Về khả năng đóng tàu, báo Mỹ cho biết bất cứ kế hoạch xây dựng vũ khí nào của Nga cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tình kinh tế suy thoái cộng với ảnh hưởng từ các đòn trừng phạt thương mại của Mỹ và các nước phương Tây. Đặc biệt, hiện nay Nga hoàn toàn không có nhà máy đóng tàu sân bay.
Theo Business Insider, cho dù Nga theo đuổi thiết kế hệ thống máy phóng trên tàu sân bay mới thì chưa chắc đã thành công bởi hệ thống này sử dụng công nghệ rất phức tạp và tinh vi không phải nước nào muốn là có thể thành công.
Theo Huy Vũ (Đất Việt)