Nga bắt đầu sản xuất vaccine Covid-19

15/08/2020 22:20:25

Nga hôm 15/08 cho biết đã sản xuất lô vaccine Covid-19 đầu tiên, sau khi tổng thống Vladimir Putin thông báo nước này đã phê duyệt vaccine.

Nhiều nhà khoa học và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ lo ngại về thông báo về vaccine Covid-19 do Nga phát triển của ông Putin, cho rằng loại vaccine này vẫn cần trải qua quá trình đánh giá an toàn nghiêm ngặt.

"Lô vaccine virus corona chủng mới đầu tiên do Viện Nghiên cứu Gamaleya phát triển đã được sản xuất," Bộ Y tế Nga cho biết trong một thông báo.

Nga bắt đầu sản xuất vaccine Covid-19
Vaccine Covid-19 do Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Gamaleya phát triển (Ảnh: Reuters)

Ông Putin nói vaccine rất an toàn, và con gái ông đã sử dụng vaccine. Tuy vậy, quá trình thử nghiệm lâm sàng của vaccine vẫn chưa hoàn thành, và bước thử nghiệm cuối cùng với sự tham gia của hơn 2.000 người mới chỉ bắt đầu tuần này.

Nhiều nhà khoa học trên thế giới tỏ ra lo ngại, cảnh báo rằng việc đẩy nhanh tiến độ phát triển vaccine có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tuy vậy Nga cho rằng những lời chỉ trích là nỗ lực hủy hoại nghiên cứu khoa học của nước này.

Vaccine được đặt tên "Sputnik V", theo tên của vệ tinh đầu tiên trên thế giới do Liên Xô (cũ) phóng vào quỹ đạo Trái đất năm 1957, và được phát triển bởi Viện Nghiên cứu dịch tễ và vi sinh Gamaleya ở Moscow và Bộ Quốc phòng Nga.

Viện trưởng Viện Gamaleya Alexander Gintsburg hôm 15/08 nói với hãng tin TASS rằng tất cả các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm an toàn và hiệu quả của vaccine giai đoạn cuối sẽ được dùng hai liều vaccine.

Trước đó, Nga cho biết quá trình sản xuất vaccine sẽ bắt đầu vào tháng 09. Nước này có kế hoạch sản xuất 5 triệu liều vaccine mỗi tháng vào giai đoạn tháng 12/2020 và tháng 01/2021.

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko tuần này cho biết các y bác sĩ và nhân viên y tế sẽ dùng vaccine trước, và sau đó người dân Nga cũng sẽ được sử dụng trên tinh thần tự nguyện.

Nga hiện đã ghi nhận 917.000 ca nhiễm Covid-19, và hiện là vùng dịch lớn thứ tư trên thế giới, sau Mỹ, Brazil và Ấn Độ. Nước này cũng đã báo cáo 15.400 trường hợp tử vong, 92.000 hiện đang được điều trị, trong đó có 2.900 ca được điều trị tích cực, theo số liệu chính thức.

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật