Mặc dù các nhà lãnh đạo châu Âu đã tuyên bố sẽ loại bỏ sự phụ thuộc vào các nguồn cung nhiên liệu do Nga kiểm soát, kể cả khí đốt và dầu mỏ, nhưng điều này thực tế rất khó thực hiện trong thời gian ngắn.
Giới phân tích dự báo, châu Âu sẽ phải trải qua ít nhất một mùa đông lạnh giá nữa cho đến khi các nền kinh tế lớn, đói năng lượng và đang phụ thuộc nhiều vào Nga, chẳng hạn như Đức và Italia có thể tìm ra các nguồn thay thế khác.
Theo báo Guardian, nhận thức được điều này, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tuần này đã giáng đòn trả đũa cứng rắn nhất kể từ đầu chiến sự nhằm vào các nước bị Moscow coi là "không thân thiện". Sau khi ban hành một sắc lệnh buộc các nước bạn hàng phải bắt đầu trả tiền mua khí đốt tự nhiên của Nga bằng đồng Rúp, Moscow ngày 27/4 thông báo đình chỉ cung ứng loại nhiên liệu này qua đường ống Yamal từ Siberia cho Ba Lan và Bulgaria, với lí do hai quốc gia đã từ chối thực hiện yêu cầu.
Quyết định có thể mở ra một giai đoạn mới của cuộc chiến, khi Nga hiện thực hóa mối đe dọa của ông Putin về việc dùng các mỏ dự trữ khí đốt khổng lồ của đất nước làm vũ khí chống lại châu Âu.
Tại sao Ba Lan và Bulgaria hứng đòn đầu tiên?
Hai quốc gia nói trên dường như là mục tiêu được Moscow lựa chọn cẩn thận. Ba Lan nhập khẩu khoảng 45% nhu cầu khí đốt tự nhiên từ Nga, theo số liệu năm 2020 từ Eurostat. Con số này không cao ngất ngưởng theo tiêu chuẩn châu Âu, nhưng Ba Lan nằm trong số những nước ủng hộ Ukraine về mặt chính trị và quân sự nhiều nhất.
Bulgaria ít gây ra mối đe dọa hơn đối với chiến dịch quân sự của Moscow ở nước láng giềng, nhưng phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga, tới khoảng 73% nhu cầu.
Nhắm mục tiêu vào hai quốc gia này sẽ cho phép chính quyền Putin kiểm tra sức mạnh của vũ khí năng lượng đối với hai dạng "quốc gia không thân thiện" khác nhau theo phân loại của Moscow. Trong đó, một loại gây ra mối đe dọa thực sự, còn một loại khác có vẻ dễ bị tổn thương hơn và kết quả có thể là bài học kinh nghiệm cho những nước khác ở vị trí tương tự.
Hai nước có thể ứng phó?
Cả Ba Lan và Bulgaria đều tuyên bố họ có thể ứng phó với việc bị Nga cắt nguồn cung khí đốt. Dẫu sao, hợp đồng của Ba Lan với tập đoàn dầu khí lớn nhất Nga Gazprom cũng hết hạn vào cuối năm nay và nước này đã đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế được một thời gian.
“Ba Lan nằm ngay cạnh Đức và có thể nhập khẩu từ đó. Họ đang sở hữu trạm nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) riêng và có một đường ống mới, chạy gián tiếp từ Na Uy dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Nước này cũng đã tích lũy cho kho dự trữ, vì bán tin bán nghi về khả năng xảy ra sự việc như hiện nay", Tom Marzec-Manser, chuyên gia phân tích khí đốt hàng đầu châu Âu tại công ty tư vấn năng lượng ICIS, cho biết.
Tình hình của Bulgaria có phần kém thuận lợi hơn một chút, nhưng nước này có tuyến đường ống thứ hai kết nối với Hy Lạp, sẽ bắt đầu vận hành vào cuối năm nay. Một nhà phân tích tiết lộ với tờ Guardian rằng, một thực thể của Bulgaria gần đây đã đặt một chuyến hàng LNG tới một cảng của Hy Lạp. Điều này có thể báo hiệu một kế hoạch tìm kiếm nguồn cung từ nơi khác.
Các quốc gia khác sẽ làm gì?
Theo chuyên gia Marzec-Manser, Tổng thống Nga Putin đã cho thấy rõ, cảnh báo cắt nguồn cung khí đốt cho các quốc gia “không thân thiện” nếu họ từ chối thanh toán bằng đồng Rúp, không phải là lời đe dọa suông.
Động thái này có nghĩa, các quốc gia và công ty mua khí đốt Nga sẽ phải quyết định liệu họ có đồng ý thanh toán bằng đồng Rúp hay không. Hungary, quốc gia chứng minh là một người bạn châu Âu hiếm hoi đối với Điện Kremlin, đã khẳng định sẽ làm theo yêu cầu của Moscow. Theo Bloomberg, ít nhất bốn công ty tư nhân Hungary đã đồng ý thực hiện yêu cầu của Điện Kremlin.
Latvia, quốc gia nhập khẩu 100% nhu cầu khí đốt từ Nga vào năm 2020, đã cam kết cùng với Lithuania và Estonia ngừng mua bất kỳ sản phẩm nào từ xứ sở bạch dương. Một trạm nhập khẩu LNG ở Lithuania là giải pháp thay thế trọng yếu, đặc biệt đối với một nền kinh tế tương đối nhỏ nhưng là nơi đầu tiên ở châu Âu chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu Nga.
Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố, các quốc gia không nên thanh toán bằng đồng Rúp và việc tuân thủ yêu cầu của Nga có thể vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, theo yêu cầu của Moscow, các khoản thanh toán sẽ được thực hiện cho Gazprombank bằng đồng Euro hoặc USD trước khi được chuyển đổi. Về lý thuyết, điều này vẫn sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt. Song, EC cho biết hồi tuần trước rằng, các hợp đồng có thể được điều chỉnh để làm cho chúng tuân thủ.
Đây có thể là tin tốt lành đối với các nền kinh tế lớn như Italia và Đức. Riêng Đức đang nhập khẩu tới 60% nhu cầu khí đốt từ Nga và Berlin dự định sẽ mất một thời gian để giảm con số đó xuống 0.
Giá khí đốt sẽ tăng trở lại?
Rất nhiều thứ sẽ phụ thuộc vào việc Nga có leo thang các hành động hay không. Giá khí đốt giao tháng 5 trên sàn TTF của Hà Lan bắt đầu tuần này ở mức 92 Euro và chạm ngưỡng 115 Euro hôm 27/4, tăng 20% trước thông tin Nga sẽ cắt nguồn cung cho Ba Lan và Bulgaria. Giá đã ổn định trở lại mức 107 Euro vào chiều 27/4, nhưng vẫn cao hơn 15% so với mức đầu tuần.
Trong khi các nhà cung cấp năng lượng của Anh đang mua vào ở thị trường bán buôn của nước này nhưng theo thời gian, bất kỳ sự gia tăng nào về giá nhiên liệu ở châu Âu cũng sẽ ảnh hưởng đến các công ty Anh và có thể dẫn đến giá cao hơn cho người tiêu dùng tại xứ sở sương mù.
Một làn sóng chấn động lớn hơn nhiều, càn quét khắp châu Âu chỉ xảy ra khi các công ty nhập khẩu khí đốt khổng lồ như Eni của Italia và Uniper của Đức bị Nga loại khỏi danh sách khách hàng. Song, việc đó cũng có tác động lớn đến doanh thu của Nga. Giới quan sát nhận định, nhiều khả năng các bên liên quan sẽ đi đến một dạng thỏa hiệp nào đó về các khoản thanh toán, như EC đã gợi ý.
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)