Nga vừa gửi báo cáo năm 2016 lên Cơ quan đăng ký vũ khí thông thường của Liên hợp quốc về chủng loại, số lượng vũ khí đã xuất khẩu, trong đó có 3 lần nhắc tới Việt Nam.
Cụ thể, trong cơ sở dữ liệu báo cáo thường niên của các quốc gia thành viên, Cơ quan đăng ký vũ khí thông thường của Liên hợp quốc đã cập nhật và đăng công khai trên website của mình. Theo đó, Nga đã gửi báo cáo năm 2016 về số lượng và chủng loại vũ khí đã xuất khẩu và họ đã nhắc tên Việt Nam 3 lần.
Theo thông tin đăng công khai, Nga đã liệt kê những chủng loại vũ khí, trang bị đã chuyển giao trong năm 2016 và được trang thông tin quân sự nổi tiếng của Nga là bmpd.livejournal.com dẫn lại.
Trong báo cáo của Nga không nêu rõ chủng loại vũ khí đã chuyển giao mà chỉ đề số lượng nên bmpd có bổ sung thêm chú thích trong phần () dựa trên các thông tin công khai của truyền thông Nga và những tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga. Cụ thể:
I. Xe tăng chiến đấu chủ lực: Không có giao dịch nào được ghi nhận.
Xe tăng T-90SA đã được Nga chuyển giao cho Algeria nhưng không được ghi nhận trong báo cáo. |
II. Xe thiết giáp: Có duy nhất 1 giao dịch được ghi nhận với khách hàng là Bangladesh nhận 170 xe thiết giáp (có thể là loại xe thiết giáp chở quân BTR-80)
III. Các hệ thống pháo cỡ nòng lớn: Có duy nhất 1 giao dịch được ghi nhận với khách hàng là Azerbaijan nhận 6 tổ hợp (có thể là loại pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A).
IV. Máy bay chiến đấu: Có 7 giao dịch được ghi nhận.
- Bangladesh nhận 2 chiếc (có thể là máy bay chiến đầu hạng nhẹ kiêm huấn luyện 2 chỗ ngồi Yak-130).
- Belarus nhận 4 chiếc (có thể là máy bay chiến đầu hạng nhẹ kiêm huấn luyện 2 chỗ ngồi Yak-130).
- Trung Quốc nhận 4 chiếc (có thể là loại tiêm kích đa năng Su-35SK).
- Việt Nam nhận 4 chiếc (có thể là loại tiêm kích đa năng Su-30MK2).
- Ấn Độ nhận 8 chiếc (có thể là tiêm kích đa năng trên tàu sân bay MiG-29K / KUB).
- Kazakhstan nhận 2 chiếc (có thể là tiêm kích đa năng Su-30SM).
- Myanmar nhận 3 chiếc (có thể là máy bay chiến đầu hạng nhẹ kiêm huấn luyện 2 chỗ ngồi Yak-130).
Tiêm kích trên tàu sân bay MiG-29K/KUB của Không quân hải quân Ấn Độ. |
V. Trực thăng tấn công:
- Angola nhận 20 chiếc (gồm 16 trực thăng vũ trang Mi-24P và 4 trực thăng vận tải - vũ trang Mi-171Sh).
- Bangladesh nhận 6 chiếc (Mi-171Sh).
- Ấn Độ nhận 3 chiếc (trực thăng Mi-17V-5 biến thể chở khách VIP).
- Kazakhstan nhận 6 chiếc (gồm 4 trực thăng vũ trang Mi-35M và 2 trực thăng vận tải - vũ trang Mi-171Sh).
- Nigeria nhận 2 (trực thăng vũ trang Mi-35M).
- Serbia nhận 2 (trực thăng vận tải Mi-17V-5).
VI. Tàu chiến: Có duy nhất 1 giao dịch được ghi nhận với khách hàng là Việt Nam (có thể là tiếp nhận 1 tàu ngầm Kilo thuộc đề án 06361).
VII (a). Tên lửa và bệ phóng:
- Angola nhận 84 đơn vị (không rõ chủng loại và số lượng bệ phóng/tên lửa).
- Ấn Đô nhận 10.809 (có thể là đạn tên lửa 9K119M Reflex (NATO định danh là AT-11 Sniper-B điều khiển bằng laser bắn qua nòng pháo chính dùng cho xe tăng T-90.
- Kazakhstan nhận 6 đơn vị (có thể là vũ khí hàng không).
- Việt Nam nhận 91 (có thể bao gồm vũ khí hàng không trên máy bay chiến đấu và vũ khí đối hạm dùng cho tàu chiến).
VII (b). Các hệ thống tên lửa phòng không vác vai:
- Armenia nhận 300 đơn vị (có thể là loại tên lửa phòng không vác vai Igla-S)
Trang bmpd bình luận thêm rằng rất dễ nhận thấy hàng năm Nga vẫn đều đặn gửi báo cáo xuất khẩu vũ khí lên Liên Hợp Quốc nhưng hầu hết các báo cáo này đều chung chung, không hề nêu rõ chủng loại và số lượng cụ thể. Thậm chí, có một số loại vũ khí mặc dù được công khai trên truyền thông nhưng không được đưa vào báo cáo.
Có thể kể ra đây hàng loạt vũ khí đã tới tay khách hàng những lại không thấy Nga nhắc tới trong báo cáo của mình như hợp đồng xuất khẩu sang Iraq, và đặc biệt không hề đề cập tới Syria.
Các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 đã được chuyển giao cho Iraq nhưng không được đề cập trong báo cáo. |
Bên cạnh đó, trong năm 2016 một lượng lớn vũ khí đã được chuyển cho Algerria nhưng cũng không xuất hiện trong báo cáo như xe tăng T-90SA, 8 tiêm kích Su-30MKA (bản xuất khẩu riêng cho nước này phát triển trên cơ sở tiêm kích Su-30MKI dành cho Ấn Độ) và 6 trực thăng tấn công Mi-28NE.
Ngoài ra, có khá nhiều xe tăng chiến đấu chủ lực đã được chuyển giao cho một số khách hàng nhưng cũng "biến mất" trong báo cáo như xe tăng T-72B1 nâng cấp cho Nicaragua, xe tăng T-72B1 cho Uganda, xe tăng T-90S cho Azerbaijan, và nhiều xe thiết giáp cho các nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (Belarus, Kyrgyzstan and Tajikistan), và nhiều nước khác.
Theo Bình Nguyên (Thời Đại)