Nga bán trực thăng tiến công Mi-28 và Ka-52, cho VN cơ hội lớn?

27/08/2015 09:16:24

Tại Triển lãm HeliRussia 2015, ông Vladislav Kuzmichev - Phó GĐ Bộ phận xuất khẩu vũ khí hàng không thuộc Tập đoàn Rosoboronexport cho biết, Nga sẵn sàng xuất khẩu Mi-28 và Ka-52.

Tại Triển lãm HeliRussia 2015, ông Vladislav Kuzmichev - Phó GĐ Bộ phận xuất khẩu vũ khí hàng không thuộc Tập đoàn Rosoboronexport cho biết, Nga sẵn sàng xuất khẩu Mi-28 và Ka-52.
Mi-28N và Ka-52 món ngon đã bầy sẵn
 
"Thợ săn đêm" Mi-28N và "Cá sấu Mỹ" Ka-52 của Nga được các chuyên gia quân sự đánh giá vào hàng "đỉnh" nhất thế giới trong dòng trực thăng vũ trang nhờ khả năng thao diễn tốt cùng hệ thống điện tử và vũ khí hàng không tiên tiến, đủ sức săn diệt mọi loại xe tăng.
 
Tại Triển lãm trực thăng HeliRussia 2015, ông Vladislav Kuzmichev - Phó GĐ Bộ phận xuất khẩu vũ khí hàng không thuộc Tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc gia Rosoboronexport cho biết, Nga sẵn sàng xuất khẩu Mi-28 và Ka-52, bên cạnh dòng Mi-17 đang bán rất chạy.
 
Ông nói, "Trong năm 2014, đã xuất khẩu hơn 100 trực thăng các loại cho các khách hàng nước ngoài. Trong 5 năm gần đây, chúng tôi đã có đà tăng trưởng rất tốt và vững chắc trong lĩnh vực xuất khẩu trực thăng và chúng tôi sẽ tìm cách duy trì lợi thế này.".
 
Một thông tin thu hút được sự quan tâm của đông đảo báo giới và chuyên gia quân sự khi ông Kuzmichev khẳng định: "Chúng tôi rất tự tin với các mẫu máy bay mới - trực thăng tiến công Mi-28NE và Ka-52, sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục đặt hàng.".
 
Như vậy, trong tương lai gần, cả "Thợ săn đêm" và "Cá sấu Mỹ" có cơ hội thể hiện uy lực ở nhiều quốc gia, đặc biệt là khu vực Nam Mỹ, Trung Đông, Châu Á, trong đó có thể bao gồm cả các nước Đông Nam Á.
 
Mặc dù cả hai dòng máy bay này chưa có nhiều kinh nghiệm thực chiến nhưng các nhận xét của các chuyên gia Nga không phải đơn thuần chỉ để quảng bá nhằm bán hàng, mà chúng thực sự là những "món ngon", "hợp khẩu vị" của nhiều khách hàng khó tính.
 
Khi nhận xét về Mi-28NM, phiên bản nâng cấp sâu của Mi-28N, Thứ trưởng BQP Nga, Yuri Borisov khẳng định với RIA Novosti rằng: “Trực thăng mới đáp ứng mọi yêu cầu của Quân đội Nga, cũng như thị trường quốc tế về dòng máy bay trực thăng tấn công hiện đại".
 
Trực thăng tiến công Mi-28NM sẽ được trang bị hệ thống trinh sát, dẫn đường, điều khiển hỏa lực hoàn toàn mới để nâng cao độ chính xác và có kết cấu mở để tích hợp với nhiều thiết bị ngoại vi tiên tiến cùng vũ khí xuất xứ từ cả Nga và lẫn Phương Tây.
 

Liệu Ka-52 hay Mi-28N có cơ hội ở Việt Nam?

 
Trước đó, ông Andrey Shibitov, đại diện Russian Helicopters, tuyên bố với hãng thông tấn RIA Novosti rằng: “Máy bay trực thăng mới có thể đáp ứng những thách thức về nhu cầu, công nghệ của thị trường vũ khí toàn cầu hiện nay và khách hàng của chúng tôi”.
 
Chúng có thể tàng hình trước radar với uy lực tấn công vượt trội, tìm, diệt tăng, thiết giáp, mục tiêu kiên cố, trực thăng, thậm chí cả máy bay chiến đấu bay thấp và chi viện hỏa lực cho lục quân ở cự ly 6 km trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày hay đêm.
 
Ngoài ra, sắp tới Mi-28NM sẽ được trang bị hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến để vô hiệu hóa và diệt các loại tên lửa hướng đến nó, trong đó có thiết bị phát la-de thể rắn bắn chặn tên lửa đối phương bằng chùm tia năng lượng cao.
 
Ở phía bên kia, Ka-52 được đánh giá là một trong những sát thủ diệt tăng hàng đầu thế giới, không hề thua kém, thậm chí có nhiều tính năng mà trực thăng tiến công AH-64D Apache (Mỹ) cũng khó có thể bì được.
 
Theo Sputnik, đích thân Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin đã bay thử trên Ka-52 và tỏ ra rất hài lòng. Ông khẳng định đây là một trong những dòng máy bay trực thăng vũ trang xuất sắc nhất trên thế giới.
 
Tại Triển lãm Hàng không Le Bourget 2015 (Pháp), đại diện Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport của Nga, ông Sergei Kornev tuyên bố rằng Moskva - lần đầu tiên, đã ký hợp đồng xuất khẩu trực thăng tiến công Ka-52 với một quốc gia giấu tên.
 

Mi-28N (trên) và Ka-52 đã được bật đèn xanh để xuất khẩu, loại nào sẽ bán chạy hơn?

 
Cơ hội lớn cho Việt Nam?
 
Chưa có chứng cứ gì để khẳng định khách hàng giấu tên kia có phải là Việt Nam không, nhưng có thể dự đoán, nếu Việt Nam có lời, Nga sẽ "gật". Chỉ có điều, Việt Nam cần cân nhắc rất kỹ bởi nhiều lý do:
 
Thứ nhất, Việt Nam ưu tiên có trọng điểm. Cùng với Hải quân và một số lực lược đặc biệt khác được xác định "tiến thẳng lên hiện đại", Phòng không - Không quân sẽ ưu tiên mua sắm thêm máy bay tiêm kích đa năng và tên lửa phòng không hiện đại.
 
Trong đó, máy bay mới phải có khả năng chi viện bảo vệ chủ quyền biển, đảo, vừa phối hợp cùng các lực lượng phòng không khác để làm chủ bầu trời quốc gia. Do vậy, trực thăng vũ trang chuyên nhiệm có thứ tự ưu tiên thấp và chưa phải là nhu cầu cấp bách.
 
Khả dĩ nhất là trang bị trực thăng vận tải vũ trang đa năng Mi-171Sh, vừa có khả năng vận tải như bất kỳ biến thể trực thăng Mi-17 nào, lại vừa có khả năng săn diệt tăng bằng tên lửa chống tăng hiện đại, vừa yểm trợ gần cho bộ binh, kết hợp nhiệm vụ đổ quân.
 
Thứ hai, vũ khí chống tăng mang vác của lục quân khá mạnh. Trong tương lai, nếu có xung đột, hình thức tác chiến phi đối xứng là chủ đạo, bởi lẽ quân đội ta sẽ phải chiến đấu với những đối phương có tiềm lực quân sự rất mạnh và hiện đại.
 
Với phương châm phòng tránh, đánh trả, mang vác là chính nên lục quân được trang bị các loại vũ khí chống tăng hiện đại, có khả năng diệt mọi loại xe tăng tiên tiến. Thế nên, nếu có hỏa lực yểm trợ từ trên không thì quá tốt, còn không thì mọi việc vẫn trong dự tính.
 
Thứ ba, tiền nào của nấy. Các loại trực thăng tiến công thế hệ mới cực kỳ hiện đại Mi-28 và Ka-52 có giá xuất khẩu ước tính lên tới 35-40 triệu USD/chiếc, không hề rẻ chút nào. Tại thời điểm này, có lẽ vượt quá tiềm lực kinh tế của Việt Nam.
 
Vẫn biết từ khi trực thăng vũ trang Mi-24 nghỉ hưu, khoảng trống hỏa lực săn diệt tăng từ trên không của Việt Nam đang bị bỏ ngỏ, cần có sự bổ sung nhưng chưa phải là ưu tiên gấp, do vậy, trong tương lai gần Mi-28 và Ka-52 ít có khả năng được Việt Nam quan tâm tới.
>> Trực thăng chiến đấu Mi-28N của Nga dưới mắt chuyên gia Mỹ
 
Theo Bình Nguyên (Dailo.vn)

Nổi bật