Động cơ "Sản phẩm 30" trang bị cho tiêm kích tàng hình Su-57 được giới thiệu lần đầu tại chuyến thăm nhà máy Salyut hồi tháng 10, nhân kỷ niệm 105 năm thành lập đơn vị của thị trưởng Moskva - ông Sergei Sobyanin.
Truyền thông Nga sau đó đưa tin khả năng cao là loại động cơ mới này sẽ được chính thức đưa vào thử nghiệm ngay cuối năm 2017. Đúng như kế hoạch, chiến đấu cơ thế hệ 5 Su-57 đã mang 1 "Sản phẩm 30" cùng với 1 động cơ thế hệ cũ AL-41F1S trong chuyến bay vừa diễn ra.
Việc kết hợp 2 loại động cơ khác nhau khi bay thử là điều bình thường nhằm đưa ra đánh giá, so sánh chính xác hơn, đồng thời cũng giảm thiểu xác suất rủi ro nếu sản phẩm mới bất ngờ gặp phải sự cố.
Nhưng thật bất ngờ, sau khi hình ảnh về chuyến bay thử trên của tiêm kích Su-57 được công bố, đã có nhận xét cho rằng thực chất các bài đánh giá dành cho "Sản phẩm 30" đã được bắt đầu từ lâu, thông tin bây giờ mới được đưa đến công chúng là vì nó đã sẵn sàng phục vụ.
Trong một bức ảnh ảnh cũ lấy ra đối chứng, khi chiếc Su-57 vẫn còn mang tên định danh PAK FA, nó đã tích hợp 2 động cơ khác nhau, trong đó động cơ phía trái có độ dài ít hơn động cơ phía phải, rất tương đồng với những gì vừa nhìn thấy trên truyền hình Nga.
Bên cạnh đó, chiếc PAK FA còn mang cấu hình vũ khí tương đối lạ với 2 tên lửa không đối không R-77 cùng 2 tên lửa đối hạm/đối đất Kh-31 treo ngoài chứ không phải ở trong khoang vũ khí.
Nếu thực sự động cơ "Sản phẩm 30" đã vượt qua các bài đánh giá cơ bản, sẵn sàng trang bị cho lô sản xuất hàng loạt đầu tiên của tiêm kích Su-57 thì đây sẽ là dấu mốc mới cho chương trình đầy tham vọng của Không quân Nga.
Tuy nhiên, trước mắt các kỹ sư hàng không Nga vẫn còn chặng đường dài cần vượt qua, đó là triển khai vũ khí từ trong khoang bụng chứ không phải từ giá treo bên ngoài.
Gần đây trang Sina của Trung Quốc đã đưa ra nhận xét rằng Nga đang gặp khó khăn với kỹ thuật trên, bằng chứng là chưa từng thấy Su-57 bắn tên lửa hay ném bom cất trữ trong khoang vũ khí, trong khi J-20 và F-22/35 đã thực hiện nhuần nhuyễn.
Nhưng xét về độ khó thì công việc còn lại không chông gai bằng thử nghiệm động cơ, giai đoạn khó khăn nhất đã qua sẽ giúp người Nga tập trung nguồn lực hoàn thành nốt khiếm khuyết còn lại trong thời gian ngắn nhất.
Theo Tùng Dương (Đất Việt)