Theo đó, Thủ tướng Christopher Luxon tuyên bố rằng đã đến lúc quốc gia này cần đối mặt với thực tế, mạng xã hội không còn là không gian an toàn tuyệt đối cho giới trẻ. Phát biểu trong cuộc họp báo về dự luật mang tên “Độ tuổi phù hợp cho người dùng mạng xã hội”, ông Luxon nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ em trước những rủi ro tiềm tàng trong thế giới số.
“Chúng ta đã có các biện pháp bảo vệ con trẻ trong thế giới thực. Giờ là lúc phải làm điều tương tự trong thế giới ảo. Điều này phải thay đổi”, Thủ tướng Luxon khẳng định.
Nếu được thông qua, dự luật sẽ yêu cầu tất cả nền tảng mạng xã hội đang hoạt động tại New Zealand xác minh độ tuổi người dùng và nghiêm cấm trẻ em dưới 16 tuổi mở tài khoản. Những công ty vi phạm có thể đối mặt với khoản phạt lên tới 2 triệu đô New Zealand (tương đương khoảng 1,2 triệu USD).
“Chúng ta cần buộc các nền tảng này chịu trách nhiệm trong việc bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương nhất – chính là trẻ em khỏi các nội dung độc hại, bạo lực mạng và hành vi lạm dụng”, ông Luxon nói thêm.
Dự luật hiện do đảng Quốc gia (NP) – đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền ba đảng xây dựng và trình lên quốc hội. Theo nghị sĩ Catherine Wedd, thành viên soạn thảo luật, đây là “hành động cần thiết” để bảo vệ thanh thiếu niên, nhóm chịu ảnh hưởng tiêu cực mạnh mẽ từ mạng xã hội.
Tuy nhiên, đề xuất này không nhận được sự đồng thuận tuyệt đối. Đảng ACT, một trong ba thành viên của liên minh cầm quyền, phản đối kịch liệt. Lãnh đạo ACT David Seymour cho rằng dự luật được soạn thảo quá vội vàng và thiếu tính khả thi. Ông đề xuất tổ chức một cuộc đánh giá toàn diện với sự tham gia của các chuyên gia giáo dục, tâm lý học và đại diện các công ty công nghệ để tìm ra giải pháp cân bằng hơn.
Nếu được thông qua, dự luật này sẽ đưa New Zealand trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng quy định nghiêm ngặt về độ tuổi sử dụng mạng xã hội, giữa bối cảnh toàn cầu ngày càng lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của không gian mạng đối với sức khỏe tâm lý trẻ em và thanh thiếu niên.
Theo Tuấn Khang (Pháp luật & Xã hội)