Báo Kommersant cho biết Việt Nam cớ thể sớm sở hữu tổ hợp tên lửa bờ Bal-E tối tân mà Nga mới hoàn thiện. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là một lựa chọn hoàn hảo.
Bal-E và chiến thuật "mưa tên lửa"
Theo cơ sở dữ liệu của Tổ chức nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPRI), ngoài các tổ hợp tên lửa bờ Bastion-P dùng đạn diệt hạm Yakhont thì hầu hết các tổ hợp tên lửa bờ còn lại của Hải quân Việt Nam đều đã được đưa vào biên chế từ đầu những năm 1980.
Qua gần 40 năm sử dụng, những tổ hợp này ít nhiều đã xuống cấp khiến công tác bảo đảm, duy trì hệ số chiến đấu cao khá vất vả, cần được thay thế trong tương lai và Bal-E là một ứng viên sáng giá. Bởi lẽ:
Tổ hợp tên lửa bờ Bal-E được thiết kế để khống chế eo biển và lãnh hải, bảo vệ các căn cứ hải quân, cơ sở hậu cần chiến lược và các công trình ven biển khác, phòng thủ và tạo vùng đệm ngăn chặn bảo vệ tuyến ven biển, phòng thủ bờ biển chống tác chiến đổ bộ của đối phương, bảo vệ tuyến đường biển và khống chế các vùng biển trong tầm phóng đạn tên lửa của tổ hợp.
Tổ hợp Bal-E có thể phát hiện, bắt bám, phân bổ và công kích tốp mục tiêu trên biển bằng tên lửa hành trình diệt hạm Kh-35E.
Tên lửa Kh-35 được phóng từ tổ hợp Bal-E |
Tổ hợp có tính năng cơ động cao, triển khai sẵn sàng chiến đấu mau lẹ, cơ số đạn tên lửa lớn, có thể phóng loạt theo chỉ định, vận hành ổn định, tác chiến hiệu quả và tạo môi trường chiến đấu thuận tiện cho kíp trắc thủ. Đạn tên lửa có thể được phóng vượt các vật cản tự nhiên hay nhân tạo từ trận địa có độ cao tới 1.000m so với mặt nước biển.
Mỗi tổ hợp tiêu chuẩn có 4 xe mang bệ phóng tên lửa tự hành, với tổng cộng 32 đạn sẵn sàng phóng đặt trong ống phóng dạng container cùng với tới 4 xe chở và tiếp đạn, đảm bảo trong thời gian ngắn có thể bổ sung ngay một lượng lớn đạn tên lửa để tổ hợp tiếp tục khai hỏa.
Với lượng đạn tên lửa sẵn sàng phóng của mỗi tổ hợp Bal-E, lập tức có thể tập kích nhóm tàu của đối phương bằng một "cơn mưa đạn", khiến hệ thống phòng không trên hạm tàu của đối phương bị quá tải, không kịp trở tay.
Hệ thống điều khiển hỏa lực tự động được dùng để đảm bảo các quá trình chuẩn bị chiến đấu. Thông số mục tiêu được nạp sẵn hoặc được cung cấp bởi các nguồn bên ngoài, bao gồm cả từ các phương tiện bay. Kíp trắc thủ có thể lựa chọn phương thức bắn loạt hoặc bắn kết hợp từng quả một, với uy lực tổng hợp cao.
Sau khi được phóng, tên lửa sẽ bay theo quỹ đạo định trước và bay tới khu vực mục tiêu, độ cao hành trình không quá 10-15m. Ở pha cuối, tên lửa sẽ dùng đầu dò chủ động có khả năng đối kháng điện tử cao để khóa và tiến công chính xác mục tiêu ở độ cao từ 3 đến 5m.
Nhờ diện tích phản xạ radar hiệu dụng rất nhỏ và quỹ đạo bay cực thấp, tên lửa có thể vượt qua được hệ thống phòng vệ của tàu chiến địch, xác suất trúng đích trên một phát bắn cao.
Radar trinh sát Monolit B trưng bày tại ARMY-2017, có thể phát hiện tới 50 mục tiêu từ ngoài đường chân trời ở cự ly 250 km với chế độ thụ động hoặc tới 450 km ở chế độ chủ động. Ảnh: Bình Nguyên. |
Bal-E và Bastion-P: Cặp đôi hoàn hảo - Những lá chắn thép bảo vệ hướng biển
Nếu Việt Nam mua BAl-E có mấy cái lợi:
Thứ nhất, là sự thay thế hoàn hảo cho các loại tên lửa cũ và bổ sung cho các tổ hợp Bastion-P. Chúng có thể dễ dàng phối hợp với nhau do có cùng xuất xứ từ Nga. Chúng có thể kết nối dữ liệu tình huống chiến trường (có cùng loại radar trinh sát hoặc tiếp nhận thông tin từ các kênh khác nhau), phân bổ mục tiêu hợp lý để dùng loại tên lửa thích hợp tiêu diệt.
Bal-E sẽ là chốt chặn cuối cùng (không tính pháo bờ biển) nếu như còn mục tiêu bị sót, lọt sau các đợt tập kích hỏa lực của những tổ hợp tên lửa bờ tầm xa hơn cũng như những đợt càn quét của không quân và lực lượng tàu ngầm, tàu mặt nước.
Với khả năng việt dã rất tốt nhờ sử dụng khung gầm một trong những loại xe tải quân sự hàng đầu thế giới, Bal-E cùng Bastion-P có thể cơ động nhanh, ẩn nấp, phục kích ra đòn bất ngờ từ nhiều hướng khác nhau.
Một tổ hợp tên lửa bờ Bal-E của Nga triển khai ở đảo Kurril. |
Các xe bệ phóng có thể bố trí cách xa nhau, tạo thành thế "pháo giằng", hỏa khí phân tán, nhưng hỏa lực tập trung. Nếu chọn đúng mục tiêu, chúng ta hoàn toàn có thể bẻ gãy những đợt tấn công ồ ạt của đối phương từ hướng biển.
Thứ hai, chuyển loại nhanh, vận hành dễ dàng và giá thành hợp lý. Do hiện nay trong biên chế Hải quân Việt Nam có một lượng lớn tàu mặt nước sử dụng tên lửa Kh-35 nên chúng ta đã có kinh nghiệm khai thác, đảm bảo kỹ thuật cho loại vũ khí này. Nếu có thêm tên lửa bờ Bal-E thì công tác đào tạo chuyển loại không quá bỡ ngỡ, rút ngắn thời gian.
Vì Việt Nam mua lượng lớn tên lửa Kh-35 cho Bal-E, nên nhiều khả năng phía Nga sẽ có những ưu đãi nhất định về giá và các điều kiện hậu mãi khác.
Thứ ba, với chương trình nghiên cứu tên lửa KCT-15 (tương tự Kh-35 của Nga) mà Việt Nam triển khai đến nay đã gần đi tới giai đoạn cuối cùng, có thể cung cấp một lượng đạn tên lửa nội địa cho các tổ hợp này.
Nội địa hóa giúp giảm giá thành và giữ được bí mật về công nghệ, tính năng kỹ - chiến thuật, tạo thành một quả đấm thép, gây ra bất ngờ lớn cho đối phương nếu có tình huống xảy ra.
Cuối cùng, nếu sở hữu Bal-E, lực lượng tên lửa bờ Việt Nam thực sự có thêm những bức trường thành di động nhờ uy lực lớn, sức cơ động việt dã cao, đủ sức răn đe và có thể cùng với các lực lượng khác đánh bại mọi cuộc tiến công xâm lược từ hướng biển.
Theo Bình Nguyên (Soha/Thời Đại)