Thứ trưởng Quốc phòng Ba Lan cho biết đang cân nhắc đề nghị NATO cho phép triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này.
Đây là lần đầu tiên một quan chức Ba Lan đánh tiếng nước này muốn tham gia chương trình trên của NATO. Trong số 28 thành viên của NATO, chỉ có ba cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân là Mỹ, Pháp và Anh. Chỉ có Mỹ là cung cấp vũ khí cho đồng minh trong chương trình chia sẻ. Các nước Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ cũng triển khai vũ khí hạt nhân mượn từ Mỹ trong chương trình này, theo Guardian.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Ba Lan sau đó tuyên bố Warsaw không đưa ra đề xuất chính thức và cũng không có ý định triển khai vũ khí hạt nhân của NATO trên lãnh thổ, theo RIA.
Đề xuất triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của Ba Lan chắc chắn sẽ kéo theo phản ứng mạnh từ phía Nga. (Ảnh: RooVuu)
Nếu Ba Lan thực sự có ý định này, rất có thể sẽ vấp phải phản ứng gay gắt từ phía Moscow.
Trên tờ Sự thật, theo Igor Korotchenko, Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng quốc gia đã thẳng thắn, Ba Lan nên suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa vấn đề này để bỏ phiếu trong Quốc hội bởi nó có thể biến nước này trở thành thù địch của Nga vì tham vọng của riêng mình.
“Trước tiên, đây là hành động vi phạm Đạo luật Nga-NATO, trong đó cấm sử dụng vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ các thành viên NATO. Đồng thời cũng vi phạm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân bởi trong trường hợp này Mỹ đã chuyển giao vũ khí hạt nhân cho lực lượng quân sự Ba Lan và lực lượng này có thể sử dụng chúng trong các hành động quân sự”, ông Korotchenko phân tích.
Ông cũng cảnh báo rằng Mỹ có thể mất kiểm soát đối với những vũ khí hạt nhân đó bởi quân đội Ba Lan có thể sử dụng chúng vào mục đích riêng.
“Ba Lan đồng ý triển khai hệ thống lá chắn tên lửa trên lãnh thổ của mình và giờ đây lại muốn đặt cả vũ khí hạt nhân dưới tầm kiểm soát của mình”, ông Korotchenko nói, và cho biết thêm rằng hệ thống lá chắn tên lửa và vũ khí hạt nhân có thể trở thành mục tiêu đầu tiên trong các cuộc tấn công trả đũa của Nga.
Cuối cùng, ông Korotchenko kết luận: “Nga sẽ tiến hành các cuộc tấn công trả đũa nếu Ba Lan quyết định chơi trò mạo hiểm. Họ cần nghĩ kỳ trước khi bỏ phiếu cho một chính sách “chết người” như vậy. Các chính trị gia Ba Lan không nên mạo hiểm tính mạng của người dân chỉ bởi tham vọng của riêng mình”.
Về phần mình, động thái này của Ba Lan sẽ khiến Moscow tiện ăn nói hơn trong việc hé lộ phần nào sức mạnh của một cường quốc hạt nhân.
Tờ “Sự thật” (Pravda - Пра́вда) của Nga thông tin, Nga đã chuẩn bị một “Lễ vật hạt nhân” cho khối NATO, đó chính là quy mô đầu đạn hạt nhân chiến thuật vượt xa khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương.
Trong một diễn biến có liên quan, theo Washington Free Beacon ngày 4/12, hai oanh tạc cơ chiến lược Tu-95 của Không quân vũ trụ Nga đã bay vòng quanh gần đảo Guam của Mỹ. Thiếu tá Dave Eastburn, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cũng cho biết như vậy vào ngày 25/11/2015.
Không máy bay nào của Mỹ bay lên tiếp cận vì máy bay Nga khi đó đang ở không phận quốc tế. Được biết, đây là lần thứ 4 trong vòng 3 năm qua máy bay ném bom Nga bay vòng quanh đảo Guam - hòn đảo ở vùng Tây Thái Bình Dương này.
Bài báo cho biết "sự kiện khiêu khích hạt nhân bất thường” lần này không chỉ đơn thuần là sự kiện máy bay ném bom chiến lược của Nga tiếp cận sát đảo Guam trong vòng mấy năm qua, mà còn là mối đe dọa đối với khái niệm “Tác chiến không-hải nhất thể”, lấy đảo Guam làm cốt lõi của Mỹ.
Trước đó, Bộ trưởng quốc phòng Nga Shoigu đã cho biết, trong tình hình hiện nay, Nga bắt buộc phải bảo đảm sự hiện diện quân sự của mình ở tây Đại Tây Dương, đông Thái Bình Dương, vùng biển Caribean và vịnh Mexico. Máy bay ném bom tầm xa của Nga sẽ tiếp tục tuần tra trong phạm vi rộng lớn này.
Tuy nhiên, người Mỹ lo lắng rằng, ẩn giấu đằng sau hoạt động tới tấp của máy bay ném bom chiến lược Nga chính là bóng ma hạt nhân đáng sợ. Washington cho rằng, trong bối cảnh này, hoạt động của máy bay ném bom chiến lược Nga mang ý nghĩa chiến đấu thực tế.
Theo Tú Nhi (Đất Việt)