Như đã biết, chiến đấu cơ J-10 trang bị trong Không quân Trung Quốc có nguồn gốc từ chiếc tiêm kích "chết yểu" Lavi của Israel. Mặc dù là một thiết kế vay mượn nhưng Bắc Kinh đã tiến hành nội địa hóa rất thành công bằng cách trang bị cho nó những công nghệ điện tử hàng không mới nhất.
Cụ thể, máy bay được được tích hợp radar mảng pha quét chủ động (AESA) tính năng cực kỳ ưu việt, giúp phát hiện được đối phương từ cự ly xa với độ chính xác rất cao. Đi kèm theo đó là hệ thống điều khiển bay kỹ thuật số cùng với các loại tên lửa không đối không, đối đất, đối hạm có năng lực tác chiến cao nhất của họ.
Động cơ của J-10 ban đầu là loại AL-31FN, đến biến thể J-10B nó đã chuyển sang sử dụng AL-31FN Series 3 có lực đẩy lên tới 134,3 kN, vượt trội cả động cơ AL-31FP lắp trên tiêm kích Su-30MKI (lực đẩy 123 kN).
Tuy nhiên, J-10 vẫn còn một điểm khiến Trung Quốc cảm thấy chưa thực sự ưng ý, đó là động cơ trang bị cho nó không có khả năng kiểm soát vector lực đẩy (TVC), điều này sẽ gây ảnh hưởng ít nhiều đến không chiến quần vòng cự ly ngắn, trong khi đáng lẽ đây phải là điểm mạnh nhất của tiêm kích hạng nhẹ.
Trung Quốc đã cố gắng nghiên cứu chế tạo động cơ TVC cho J-10 nhưng vẫn chưa thu được kết quả như mong muốn. Phải đến khi họ tiếp cận được động cơ AL-41F1S lắp trên những chiếc Su-35SK mà Nga bán cho thì chương trình mới có bước đột phá.
Tháng 12 năm ngoái, hình ảnh đầu tiên của tiêm kích J-10B mang động cơ thử nghiệm có TVC đã xuất hiện nhưng độ phân giải rất thấp. Phải tới gân đây mới có bức ảnh rõ nét hơn cho thấy công việc đang tiến triển thuận lợi.
Tuy rằng chưa rõ động cơ trên là loại 2D TVC hay 3D TVC, nhưng có thể khẳng định chắc chắn rằng chiếc tiêm kích hạng nhẹ của Trung Quốc sẽ có khả năng thao diễn linh hoạt vượt trội so với hiện tại.
Ngoài ra, một chi tiết đáng quan tâm nữa nằm ở các đường cắt răng cưa trên miệng xả của động cơ, đây là đặc trưng của dòng sản phẩm dành cho tiêm kích thế hệ 5, tác dụng chính là giảm tiếng ồn cũng như tín hiệu nhiệt phát ra khi hoạt động.
Thiết kế này nhằm làm cho hai dòng khí nóng - lạnh di chuyển ở tốc độ cao hòa vào nhau một cách đều hơn, tránh sự thay đổi đột ngột khi hai dòng khí trạng thái rất khác nhau va chạm bất thình lình gây sốc nhiệt.
Một tác dụng nữa của thiết kế này là duy trì áp suất không khí tại ống xả một cách đều hơn, giúp tăng hiệu suất hoạt động của động cơ, khiến máy bay có thể bay hành trình ở vận tốc siêu âm mà không cần bật chế độ tăng lực.
Nếu nghiên cứu thành công động cơ có TVC được tích hợp cả công nghệ dành cho tiêm kích thể hệ 5 để lắp cho loạt J-10 sản xuất tiếp theo thì rất có thể chiếc tiêm kích của Trung Quốc sẽ "vô địch" trong phân khúc chiến đấu cơ hạng nhẹ.
Theo Nam Đồng (Soha/Trí Thức Trẻ)