Việc nhà gái thách cưới cao đã khiến nhiều gia đình nhà trai ở Trung Quốc lâm vào cảnh khốn đốn, thậm chí nhiều cặp trai tài gái sắc đã không đến được với nhau chỉ vì trào lưu “thách cưới” này.
Gần đây, trên mạng xã hội Trung Quốc xôn xao bởi một vụ hủy hôn tại Diêm Thành, Giang Tô: một cặp uyên ương trai tài gái sắc yêu nhau đã lâu, dự định tổ chức đám cưới đúng vào dịp “Lễ nghỉ vàng” Quốc khánh 8 ngày.
Nào ngờ cha mẹ cô dâu bất ngờ liên tục tăng giá thách cưới (tiền cheo) từ 100 ngàn NDT (330 triệu VND) lên 210 ngàn (693 triệu VND). Nhà trai bực mình: “Các vị bán con gái à? Không thể chấp nhận được!”. Đám cưới bị hủy, cô dâu khóc sưng mắt.
Vụ việc gây nên bàn tán sôi nổi; nhiều ý kiến cho rằng: tiền cheo không phải là trọng điểm của vấn đề trong vụ này, chủ yếu là do cha mẹ cô dâu không giữ chữ tín, liên tục tăng giá, được voi đòi tiên nên gây nên “cái chết” cho một cuộc hôn nhân tưởng như rất đẹp.
Tiền cheo cao là nguyên nhân khiến nhiều cặp yêu nhau không thể đi tới hôn nhân. |
Càng nghèo càng thách cao
Mấy năm gần đây, rất nhiều vụ thách cưới cao được công khai trên truyền thông và mạng xã hội. Không chỉ ở thành thị, ngay vùng nông thôn cũng không thua kém, nạn thách cưới ngày càng nghiêm trọng, mức tiền ngày càng cao, mức tiền cheo đua nhau, không có mức cao nhất mà chỉ có cao hơn; tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở các vùng nông thôn.
Tại thị xã Hải Luân, Hắc Long Giang, mức tiền cheo phổ biến từ 250 đến 300 ngàn NDT (825 đến 990 triệu VND); một số vùng nông thôn ở Tây Nam Sơn Đông, mức tiền cheo được nói gọn bằng câu “Vạn tử thiên hồng nhất phiến lục” (tức 1 vạn tờ bạc 5 tệ, 1 ngàn tờ 100 tệ 1 tệp loại 50 tệ, tổng cộng ít nhất 150 ngàn (495 triệu VND) trở lên). Ở huyện Quảng Bình, Hà Bắc thì lại phổ biến câu “1-2-3-4-5” (tức 1 nhà có sân vườn với 2 tầng lầu, 3 cân giấy bạc 100 tệ, xe hơi và cha mẹ chưa quá 50 tuổi - nếu quá 50 thì phải chồng thêm tiền).
Theo điều tra hồi tháng 7 vừa qua của mạng “Jujinziben”, ở các vùng nông thôn Trung Quốc hiện nay số tiền cheo (không tính nhà, xe) từ 100 ngàn tệ trở lên chiếm 25% số đám cưới, trong đó 1,59% trên 200 ngàn tệ.
Ở vùng Đông Bắc nghèo, nạn thách cưới nghiêm trọng nhất: gần 70% số điểm điều tra có mức tiền cheo từ 100 đến 200 ngàn tệ, đứng đầu cả nước về mức tiền thách trong khi là vùng có thu nhập bình quân thấp.
Vì đâu nên nỗi?
Vì sao nạn thách cưới lại ngày càng nghiêm trọng, mức tiền ngày càng cao như thế? Trước hết, do tình trạng “nam nhiều nữ ít” (theo Tổng điều tra dân số lần 6, tỷ lệ nam nữ thế hệ 8X chưa kết hôn hiện nay là 136/100; thế hệ 7X tới 206/100), cha mẹ các cô gái cho rằng mức tiền thách cưới nhiều hay ít là thể hiện giá trị của con gái; thậm chí lấy đó để khoe khoang, coi là niềm vinh dự, tự hào của gia tộc.
Có một hiện tượng đáng suy ngẫm là: vùng càng nghèo thì thách cưới càng cao, còn vùng nông thôn kinh tế phát triển ở phía Nam thì tiền thách cưới lại không tăng mà có xu thế giảm”. Ở một số vùng, cha mẹ cho rằng gả con mà không thách tiền hoặc thách ít là “mất mặt”; phía nhà trai cũng cảm thấy tương tự khi cưới cô vợ “rẻ mạt”, nhất là những vùng nghèo, kinh tế chậm phát triển.
Dù bên nào cần thể diện, thì thường sau mỗi đám cưới là nhà trai “cả nhà mắc nợ, vất vả mấy chục năm, sau đám cưới là trở về vạch xuất phát” - đó là bức tranh hiện thực về các đám cưới vùng quê. Ngoài ra, nạn thách cưới cao còn có nguyên nhân về “kinh tế học”.
Trước hết, cha mẹ cô dâu sau khi đòi mức tiền cao, nếu cho lại con gái và con rể dưới hình thức của hồi môn hay quà tặng thì tiền thách cưới lúc này đã phát huy công năng “di chuyển tài sản”; tức tiền của nhà trai chuyển qua gia đình mới của con; đối với cha mẹ cô dâu thì điều này thực hiện được ước mơ con gái được lợi nhất qua cuộc hôn nhân.
Thứ hai, sau khi nhận được số tiền lớn qua thách cưới, cha mẹ cô gái không trả lại hay cho con gái, nếu giữ lại làm vốn để chọn cưới vợ cho con trai, thì số tiền đó được coi là “vốn tái sản xuất” của gia đình. Thái Hà là bà nội trợ nhà nghèo ở nông thôn Tô Bắc, sau khi cưới đẻ liền 3 con gái, mãi đến lần 4 mới được con trai.
Mặc dù cả nhà trông vào mình ông chồng đi làm nhưng bà không mấy lo lắng việc con trai không cưới được vợ. “Khi tôi gả các con gái, nhà trai phải có nhà có xe, tiền cheo cũng phải nhiều. 3 đứa con gái mỗi đứa một món thì thừa chi cho con trai cưới vợ”- bà lạc quan trước hôn nhân tương lai của các con.
Cuối cùng, đối với gia đình chỉ có con gái thì cha mẹ thách cưới cao thường xuất phát từ việc lo chuyện tiền dưỡng lão sau này. Theo tập quán truyền thống thì một khi con gái đã đi lấy chồng như nước đã hắt đi, sau này không có trách nhiệm phải nuôi dưỡng cha mẹ; cho nên cha mẹ họ muốn thông qua thách cưới để kiếm tiền dưỡng lão.
Tại một số vùng nông thôn Trung Quốc có hình thức hôn nhân “đi hai đầu”, tức sau khi cưới, chú rể có trách nhiệm chăm sóc cả cha mẹ đôi bên. Trong tình huống này thì tiền cheo nhà gái đặt ra thường không cao, chỉ mang tính tượng trưng thôi.
Tuy nhiên, nhìn chung, trong bối cảnh giá thành cưới xin đắt đỏ hiện nay, nạn thách cưới quá cao đã trở thành gánh nặng đối với phía chú rể; không chỉ nhà trai vì cưới vợ cho con phải mang gánh nặng nợ nần; mà cô gái cũng mất đi quyền tự chủ trong yêu đương và hôn nhân. Sự phản kháng của họ thường bị coi là “bất hiếu”, tiếng nói của họ trở nên rất yếu ớt trước áp lực của gia đình.
Lễ nghi trong hôn nhân chỉ là một hình thức, nhưng ở nhiều vùng giờ đây đã biến thành hôn nhân kiểu mua bán mang nặng mùi đồng tiền. Số tiền thách cao ngất khiến nhiều gia đình bình thường vì hạnh phúc của con trai phải chạy vạy vay mượn, gom góp cho đủ.
Tình trạng này giống như thời kỳ trước 1949, vì thể diện mà nhà rỗng, cưới được cô dâu thì mang nợ cả đời; cuộc hôn nhân như thế thì sao có được hạnh phúc?
Theo Thu Thủy (Tiền phong)