Khuya 11/3, ông Renzo Carlo Testa, 85 tuổi qua đời sau khi nhiễm nCoV trong một bệnh viện ở thành phố Bergamo, miền bắc Italy. Năm ngày sau, thi thể ông vẫn còn nằm trong quan tài ở một nghĩa trang địa phương, nơi tập hợp vô số những cỗ quan tài của các nạn nhân Covid-19 khác.
Vợ ông, bà Franca Stefanelli, 70 tuổi, muốn tổ chức cho ông một lễ tang truyền thống nhưng việc này là bất khả thi bởi chính quyền đã cấm hoạt động này nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Đồng thời bà và các con cũng không thể tham dự lễ tang đơn sơ của chồng mình tại nghĩa trang bởi họ cũng nhiễm virus và phải cách ly.
"Đây là một điều khủng khiếp. Tôi cảm thấy vô cùng bất lực", bà Stefanelli nói.
Covid-19 hoành hành khiến Italy rơi vào cảnh thê lương, đường phố vắng tanh, hàng quán ngừng hoạt động và gần 60 triệu dân được lệnh ở trong nhà. Điều thể hiện rõ nhất của một đại dịch là những con số về nạn nhân. Italy là nước có dân số già nhất châu Âu, vì vậy tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao hơn hẳn các quốc gia khác. Hiện hơn 2.100 người tử vong tại Italy, biến quốc gia này thành nơi có số lượng người chết vì Covid-19 cao thứ hai thế giới và con số này vẫn tiếp tục tăng lên mỗi ngày.
Các thi thể được chất đống ở vùng Lombardy, đặc biệt ở tỉnh Bergamo. Nhà xác bệnh viện trở nên quá tải. Ông Giorgio Gori, thị trưởng thành phố Bergamo, buộc phải ban hành một sắc lệnh đóng cửa nghĩa trang địa phương trong tuần này dù dịch vụ nhà xác vẫn tiếp nhận các quan tài được gửi đến. Nhiều thi thể được đưa đến một nghĩa trang kín của nhà thờ ở Bergamo, nơi có nhiều quan tài bằng gỗ xếp hàng ngay ngắn để đợi hỏa táng.
"Thật không may, chúng tôi không biết đặt chúng ở đâu", Brother Marco Bergamelli, một trong những linh mục tại nhà thờ, nói. Ông cho biết với hàng trăm người chết mỗi ngày và mỗi người mất hơn một giờ để hỏa táng, thi thể ở đây chất như núi. "Chúng tôi cần thời gian trong khi người chết thì cứ tăng lên", vị linh mục chia sẻ.
Tuần trước, chính quyền Italy đã ban hành lệnh cấm tụ tập đông người, các nghi lễ tôn giáo, bao gồm cả lễ tang, để ngăn chặn sự lây lan của virus. Các quan chức đã yêu cầu linh mục làm lễ cầu nguyện ngắn gọn, có sự tham gia của vài thành viên trong gia đình nạn nhân, với điều kiện họ phải đeo khẩu trang.
Tại ngôi làng Zogno, linh mục địa phương đã quyết định chỉ rung chuông báo tử một lần mỗi ngày thay vì cứ mỗi người chết lại rung chuông báo như thông thường. Ông không muốn chúng trở thành âm thanh ám ảnh mọi người hàng giờ. Trong khi đó ở thị trấn Casalpusterlengo, linh mục Rev. Pierluigi Leva cho biết nhiều gia đình phải thực hiện nghi thức tang lễ từ xa cho người đã khuất.
Hầu hết nạn nhân Covid-19 chết trong bệnh viện mà không có bất kỳ người thân hay bạn bè nào bên cạnh. Các hiệp hội địa phương ở thành phố Brescia đã bắt đầu quyên góp máy tính bảng tặng các bệnh viện để bệnh nhân Covid-19 có thể giữ liên lạc hoặc nói lời tạm biệt với gia quyến.
L’Eco di Bergamo, một tờ báo địa phương, dành một trang đăng tải danh sách những nạn nhân Covid-19 xấu số. Hôm 13/3, tờ báo có tới 10 trang như vậy.
"Đối với chúng tôi, đó là một chấn thương tinh thần", ông Alberto Ceresoli, biên tập viên tờ L’Eco di Bergamo, nói. "Đây là những người chết trong cô độc và được chôn cất lặng lẽ. Họ đã ra đi mà không có ai bên cạnh, đám tang được tổ chức chóng vánh với lời cầu nguyện ngắn gọn từ các linh mục. Nhiều người thân của họ không thể có mặt vì đang bị cách ly".
Ông Giorgio Valoti, 70 tuổi, thị trưởng thị trấn Cene, qua đời hôm 13/3. Alessandro, con trai ông, cho biết ngày hôm đó ở vùng này có 90 người chết tại một bệnh viện lớn ở Bergamo. "Virus đang tàn sát thung lũng này và mọi gia đình đều đang mất người thân yêu. Ở Bergamo, rất nhiều thi thể được chất đống và chính quyền chưa biết làm gì với chúng", Alessandro nói.
Tại Fiobbio, một ngôi làng nhỏ ngoại ô thành phố Bergamo, một chiếc xe cứu thương đã đến đón cha của Luca Carrara, 86 tuổi, vào hôm thứ bảy. Hôm sau mẹ của Carrara, 82 tuổi, cũng được đưa đến bệnh viện. Ông Carrara, 52 tuổi, không thể đến thăm họ mà phải ở nhà cách ly vì cũng xuất hiện các triệu chứng nhiễm virus. Hôm thứ ba, bố mẹ ông qua đời. Thi thể của họ được tập kết trong nhà xác bệnh viện để chờ hỏa táng.
"Tôi cảm thấy vô cùng có lỗi khi để bố mẹ ở đó một mình", Carrara nói.
Trong khi đó, Luca di Palma, 49 tuổi, cho biết cha của mình, ông Vittorio, 79 tuổi, đã chết vào tối thứ tư và nhà tang lễ không còn chỗ trống nào. Bởi vậy, họ giao cho gia đình một chiếc quan tài, vài cây nến, cây thánh giá và một chiếc máy lạnh để anh có thể đặt thi thể của cha mình ở ngoài phòng khách. Palma cho biết không một người thân hay bạn bè nào đến viếng thăm vì sợ lây bệnh dù cha anh mất trước khi được xét nghiệm nCoV. Các bác sĩ cũng từ chối xét nghiệm cho người đã chết.
Hôm thứ bảy, một chiếc xe tang tới chở quan tài của cha Palma đến một nghĩa trang ở Bergamo. Một linh mục đến làm lễ cầu nguyện ngắn gọn khi xe vừa chạy vào cổng. Cuối cùng, cha của Palma cũng được hỏa táng nhưng việc chờ đợi quá lâu mới làm được lễ mai táng cho cha khiến anh "đau buồn tột độ".
Ông Costantino Pesatori, thị trưởng thị trấn Castiglione D'Adda, cho biết chỉ chưa đầy một tháng đã có 47 cư dân ở đây qua đời, so với 50 người chết trong cả năm ngoái. Ông cho hay những người qua đời đều được chẩn đoán viêm phổi nhưng các quan chức bệnh viện đã gửi họ về nhà mà không xét nghiệm nCoV.
Tuần trước, khi xe cứu thương đến căn hộ của bà Stefanelli, hai vợ chồng bà đang nằm trên giường vì sốt. Ba y tá bước vào, đưa ông Testa đến bệnh viện và bỏ lại bà. Đó là lần cuối cùng bà nhìn thấy ông, người bạn đời 50 năm chung sống. Bốn ngày sau, bà nhận tin ông qua đời.
Bà hy vọng thi thể ông sẽ được giữ lại ở nhà thờ Bergamo cho đến khi bà và các con hết thời hạn cách ly để tổ chức một lễ tang nhỏ. Nghĩ đến việc chồng hỏa táng mà không có ai bên cạnh khiến bà không thể chịu đựng nổi.
"Điều đó thật đau đớn", bà nói.
Theo Sơn Nam (Ngoisao.net)