Mới đây, sự việc cô gái 20 tuổi tử vong khi rơi từ trên tầng cao chung cư The Gold View ở TPHCM đã gây xôn xao dư luận, đặc biệt nhiều thông tin cho rằng cô bị kumanthong (một loại búp bê “ma quỷ” của Thái Lan) hãm hại. Trong khi cơ quan chức năng chưa kết luận nguyên nhân thì cách đây vài ngày, một đoạn clip ghi lại hình ảnh một người phụ nữ Việt bế búp bê kumanthong ra chợ, mua đồ ăn, cho uống sữa như một đứa trẻ càng khiến dư luận hoang mang, rùng mình.
Kumanthong- Búp bê “cầu được ước thấy”?
Kumanthong hay còn gọi là "Cậu bé vàng" hoặc "Quỷ linh nhi", một loại bùa ngải huyền bí có nguồn gốc từ Thái Lan. Theo truyền thuyết, một người chồng sau những thảm kịch hôn nhân mà hóa điên, nhẫn tâm ra tay giết vợ, mổ bụng vợ, đưa đứa con ruột mới thành hình của anh ta ra, nguyện chú và biến nó trở thành một thứ "bùa hộ mệnh". Đây cũng chính là cách mà các kumanthong được tạo thành.
Theo đồn thổi, các pháp sư, thầy phép dùng xác thai nhi để yểm bùa và nếu đem chúng về nhà, nuôi chúng bằng sữa, kẹo bánh hàng ngày, trò chuyện và yêu thương chúng như con mình thì sẽ được các “linh hồn” trong búp bê phù hộ, cầu gì được nấy, làm ăn thuận lợi, tình duyên như mong muốn, may mắn trong xổ số và những điều siêu nhiên khác.Ngược lại, nếu thiếu quan tâm, bỏ bê hoặc nhà có trẻ em mà yêu con đẻ hơn kumanthong thì sẽ khiến búp bê nổi giận, gây hại đến người nuôi…
Trước đây, người Thái Lan ưa chuộng kumanthong vì tin rằng nó sẽ mang lại may mắn, bình an cho gia đình. Nhưng cách đây vài chục năm, luật pháp nước này đã nghiêm cấm việc “chế tạo”, mua bán và sử dụng kumanthong. Tuy nhiên, có cầu ắt có cung, những đồn thổi truyền tai nhau về quyền năng siêu phàm khiến cho kumanthong vẫn luôn là một thứ hàng “chợ đen” đắt giá và được nhiều người săn lùng. Năm 1995, một người đàn ông có tên Samanen Han Raksachit đã bị bắt giam sau khi đăng tải đoạn video cho thấy ông ta đang “làm phép” man rợ với thi hài của một em bé tại ngôi chùa Nong Rakam thuộc tỉnh Saraburi.
Tháng 6/2010, 14 cái xác của trẻ sơ sinh đã được phát hiện tại một ngôi nhà hoang ở nông thôn thuộc tỉnh Ubon Ratchathani. Một cựu y tá bị buộc tội đã bán những cái xác này với giá 30 USD. Năm 2012, cảnh sát Thái bắt một người Đài Loan tên Chow vì mang theo trong va li 6 thai nhi chết non nhằm mục đích bán lại cho các thầy để làm bùa kumanthong. Các thi thể này đều được sấy khô và dát bằng vàng lá.
Đặc biệt, tháng 10/2011, cơ quan chức năng phát hiện hơn 300 xác thai nhi bị phá được bọc trong các túi nhựa và đang thối rữa tại một tu viện Phật giáo tại Wat Phai Ngoen, ngay giữa trung tâm Bangkok đã gây chấn động dư luận Thái Lan và toàn thế giới. Không chỉ bị cấm vì hành động tuyên truyền mê tín dị đoan mà cảnh sát Thái Lan còn lo ngại đây sẽ là công cụ trá hình để tội phạm vận chuyển ma tuý, sau vụ việc thu giữ 200 viên ma túy đá giấu kín bên trong một con búp bê, ở sân bay quốc tế Chiang Mai.
Tuy nhiên, bằng nhiều cách, loại búp bê này vẫn đang được công khai rao bán tràn lan khắp cộng đồng mạng ở Việt Nam. Chỉ cần vài cú click chuột, người ta có thể tìm thấy một loạt các trang giới thiệu mua bán búp bê kumanthong với đủ hình dạng, kích thước. Giá cả cũng đa dạng từ vài trăm nghìn đến chục triệu đồng. Giá của búp bê phụ thuộc vào những tài phép nó có thể mang lại. Rẻ nhất là búp bê cầu may, cầu duyên, đắt nhất là búp bê có khả năng “triệt hạ đối thủ”, “hãm hại kẻ thù”….
Các hội nhóm liên quan đến búp bê kumanthong cũng thu hút thành viên từ hàng nghìn tới hàng chục nghìn người như “Nhóm nuôi và chăm sóc kumanthong…”, “Nhóm nuôi kumanthong và lukthep…”, “Hội kumanthong…”, “Bùa thiêng phong thuỷ…”… Ở đó, hàng ngày, các thành viên thường chia sẻ cách chăm sóc búp bê, cho ăn thế nào, cách dạy dỗ khi “con” hư. Nhiều bạn trẻ còn tổ chức các buổi giao lưu bên ngoài, đem theo “các con”, trao đổi quần áo, kinh nghiệm làm “các con” vui… Có thành viên còn chụp lại ảnh “bế con” đi uống cà phê và gọi thêm phần nước uống khác cho kumanthong, thậm chí yêu cầu có ống hút cắm vào và gắn vào miệng búp bê.
Kỳ dị hơn, trên trang facebook hàng nghìn người theo dõi của Đ.T.M.H- một người buôn bán kumanthong khá nổi trong giới còn chỉ dẫn những người đã bỏ thai cách làm phép yểm bùa thai nhi vào búp bê để nuôi như nuôi con đẻ.
Sở dĩ câu chuyện về cái chết của cô gái trẻ tại chung cư The Gold View được lan truyền chóng mặt thời gian qua, kèm theo những thông tin rùng rợn, ly kỳ là bởi cơ quan chức năng phát hiện trong nhà cô có rất nhiều búp bê kumanthong. Và trong khi những người mê tín đang đồn đoán liệu cô gái có phải bị kumanthong hãm hại do không được chăm sóc đúng cách hay không, thì cách đây vài ngày, một đoạn clip ghi lại hình ảnh một người phụ nữ Việt nói giọng miền Nam, bế búp bê kumanthong ra chợ, mua đồ ăn, cho uống sữa như một đứa trẻ càng khiến dư luận hoang mang, rùng mình. Hiện clip này đang được lan truyền nhanh chóng, thu hút hàng chục ngàn lượt xem và chia sẻ rầm rộ trên cộng đồng mạng. Hiện tượng này khiến dư luận càng thêm kinh ngạc và sợ hãi.
Chuyên gia giải mã
Để làm rõ bản chất của búp bê kumanthong, chuyên gia phong thuỷ Nguyễn Song Hà (Chủ tịch Hiệp Hội Phong Thủy Dương Công Cám Châu Thế Giới - Phân Hội Việt Nam) cho biết: “Thái Lan là đất nước của Phật giáo. Ngày xưa, việc các nhà sư cao tay mời vong linh thai nhi nhập vào búp bê là xuất phát từ lòng trắc ẩn, muốn các linh hồn có nơi trú ngụ, sau đó được đưa vào chùa, ngày ngày nghe kinh, giảng đạo, hướng thiện cho đến khi siêu thoát. Tuy nhiên, sau đó, hành động này đã bị những người xấu làm biến tướng để trục lợi.
Theo điều tra ở Thái Lan, đã có sự cấu kết giữa những thầy bùa và các cơ sở phá thai tư nhân để lấy xác thai nhi luyện kumanthong. Như vậy ngay từ nguồn gốc và cách thức làm bùa kumanthong đã trái với giá trị nhân văn, đạo đức của con người. Có thể gọi đây là tà pháp. Những người Thái Lan tu theo đạo Phật gọi đây là hiện tượng buôn ma bán quỷ, phản tôn giáo, bởi việc nhốt các vong linh để sử dụng như một công cụ mưu cầu hạnh phúc, tài lộc, tình duyên… cho con người là hành động độc ác và đáng lên án”.
Các chuyên gia cũng khẳng định, cho đến nay, chưa có một nghiên cứu khoa học nào khẳng định tác dụng trong thực tế của bùa ngải nói chung và búp bê kumanthong nói riêng. Sự xác thực về việc nuôi búp bê kumanthong có mang lại những điều người nuôi mong muốn hay không, đến giờ vẫn chỉ là những câu chuyện lưu truyền trên các diễn đàn ảo. “Đơn giản thế này, nếu kumanthong nhiều quyền năng như thế thì sao pháp sư hay những người bán chúng không ra lệnh cho chúng biến mình thành tổng thống, thành thủ tướng đi”, chuyên gia Song Hà nhấn mạnh.
Còn về hiện tượng rao bán kumanthong công khai, tràn lan trên mạng xã hội Việt Nam hiện nay, TS. Nguyễn Ngọc Mai (Trưởng phòng nghiên cứu tín ngưỡng và Tôn giáo truyền thống, Viện Nghiên cứu Tôn giáo Việt Nam) nhận định: “Nó xuất phát từ tâm lý đám đông. Một số người lúc đầu thỉnh bên Thái Lan về nuôi, có thể có tác dụng, có thể chỉ là sự trùng lặp nhưng mọi chuyện bắt đầu được truyền tai nhau, một đồn mười, sau đó một số người buôn bán kumanthong sẽ tạo những website, fanpage giả để tung hô hiệu quả của kumanthong, khoác lên nó tấm áo ma mị, thần kỳ để thu hút người mua”.
“Không chỉ ở Việt Nam, mà người ta cũng dễ dàng quảng bá, phát triển và tạo ra một thị trường ảo lớn cho kumanthong ở khắp các nước Đông Nam Á. Là bởi họ đánh vào sự nhẹ dạ, cả tin và lòng tham của con người. Họ nghĩ đơn giản là mua kumanthong về, cho ăn sữa, uống coca mà không cần học hành, phấn đấu, không cần nỗ lực trong công việc cũng được hưởng giàu sang, phú quý”- chuyên gia Song Hà phân tích thêm. Chị cũng khuyên giới trẻ hãy tỉnh táo, bởi nếu giả sử kumanthong có thực sự chi phối được cuộc sống của con người như người ta đồn thổi thì lại càng nên cẩn thận tránh xa bởi “chơi với ma thì có ngày mặc áo giấy”.
Bàn luận về câu chuyện này, bác sĩ Đỗ Văn Thắng, Trưởng khoa Cấp tính nữ (khoa A), Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho rằng những đối tượng “buôn thần bán thánh” thường tập trung đặc biệt vào phụ nữ bởi khí chất của họ rất dễ bị ám thị, họ rất dễ tin vào những thứ không thực tế và dễ bị người khác lợi dụng lòng tin. Còn những người nuôi búp bê kumanthong thì nên đi khám, tư vấn tâm thần nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và xã hội.
Theo Nhã Khanh (Tiền Phong)