Số phận của Jyoti Singh Pandey - còn được gọi là Nirbhaya, có nghĩa là "Không sợ hãi" trong tiếng Hindi - đã thu hút sự phẫn nộ toàn cầu và dường như đã có lúc là chất xúc tác để thay đổi vấn đề nhức nhối từ lâu ở Ấn Độ. Tuy nhiên, những nỗ lực đã chùn bước.
Hôm 16/12, một bé gái ba tuổi bị hãm hiếp ở New Delhi, bị đánh đập và bỏ lại bên đường. Cha của đứa trẻ tìm thấy con gái đã bất tỉnh trong bộ quần áo bẩn trên nền đất trước nhà.
Bé gái đang được điều trị tại bệnh viện địa phương. Một nhân viên bảo vệ 40 tuổi có tên Ranjeet đang bị điều tra về vụ tấn công.
Sau dấu mốc được cho là bước ngoặt ở Ấn Độ vào năm 2012, trường hợp của bé gái trên cho thấy tình trạng ở nước này chưa được cải thiện nhiều.
Biểu tình lan rộng
"Thật không may, 6 năm sau vụ cưỡng hiếp và sát hại Jyoti Singh Pandey, những thay đổi mang tính hệ thống cùng với thay đổi về luật pháp và chính sách đã không đạt được", Jayshree Bajoria, tác giả báo cáo về các rào cản mà nạn nhân tấn công tình dục phải đối mặt khi tìm kiếm công lý, nói với CNN.
Theo Cục Hồ sơ tội phạm quốc gia, khoảng 100 vụ tấn công tình dục được báo cáo cho cảnh sát ở Ấn Độ mỗi ngày. Có gần 39.000 vụ tấn công được xác nhận trong năm 2016, tăng 12% so với năm trước.
Tuần trước, một phụ nữ Anh đã bị cưỡng hiếp tại một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Ấn Độ khi đi bộ về khách sạn.
"Rất thiếu quyết tâm chính trị để thực hiện bất cứ điều gì đáng kể nhằm bảo vệ an toàn cho phụ nữ. Rất nhiều lời hứa được đưa ra nhưng nữ giới vẫn phải thất vọng", Ranjana Kumari, giám đốc Trung tâm nghiên cứu xã hội tại Delhi, cho biết.
Trong nhiều trường hợp, bạo lực có liên quan đến đẳng cấp và sự chia rẽ tôn giáo lâu đời.
Vào tháng 4, một đứa trẻ 8 tuổi đã bị đánh thuốc mê, hãm hiếp và siết cổ ở bang Jammu và Kashmir. Cảnh sát đã bắt giữ 8 nghi phạm, tất cả đều là người Hindu. Các nhà điều tra cho rằng họ âm mưu bắt cóc bé gái để dọa những người du mục Hồi giáo rời khỏi khu vực.
Vụ việc dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp Ấn Độ. Hai bộ trưởng buộc phải từ chức sau khi có thông tin họ tham gia vào các cuộc biểu tình ủng hộ một số bị cáo.
Sau vụ việc, chính phủ đã ban hành luật mới kéo dài thời hạn tù và đưa ra án tử hình cho tội hiếp dâm bé gái dưới 12 tuổi.
"Mọi người tập trung nhiều vào hình phạt, thường là biện pháp dân túy nhưng chưa có những thay đổi mang tính hệ thống. Người ta liên tục nghe thấy yêu cầu siết chặt hình phạt và luật pháp, điều đã có sẵn. Điều còn thiếu là việc thực hiện", Bajoria nói.
Sự thay đổi không như mong đợi
Vụ hiếp dâm xe bus vẫn ám ảnh ký ức của những phụ nữ ở thủ đô Ấn Độ. Tối 16/12/2012, sinh viên vật lý trị liệu Singh rời khỏi rạp chiếu phim ở Delhi sau khi xem bộ phim "Life of Pi" với một người bạn nam.
Trời đã khuya nên hai người lên xe bus để về nhà ở ngoại ô. Theo cảnh sát, người lái xe và ít nhất 5 người đàn ông khác, một trong số đó là trẻ vị thành niên, đang say rượu và muốn tìm khoái lạc.
Cảnh sát cho biết những người đàn ông đã lần lượt cưỡng hiếp người phụ nữ, sử dụng một thanh sắt để xâm hại cô khi xe bus chạy quanh thành phố trong gần một giờ. Người bạn của cô đã bị đánh khi tìm cách chống lại họ. Sau đó, những người này bỏ lại hai nạn nhân ở bên đường.
Thương tích của Singh nghiêm trọng đến mức phải cắt bỏ một số cơ quan nội tạng. Cô qua đời hai tuần sau đó tại bệnh viện ở Singapore.
Bốn trong số các thủ phạm đã bị kết án tử hình, một người khác tự sát trong tù vào năm 2013 và người chưa thành niên bị kết án ba năm tù.
Vụ việc gây chấn động trên toàn thế giới. Hàng trăm nghìn đàn ông và phụ nữ đã xuống đường để phản đối sự mất an toàn, luật pháp yếu kém, hệ thống tư pháp thiên vị, thiếu sót và nền tư pháp non kém của đất nước.
Sự thay đổi lớn dường như đã rất gần khi các quan chức bắt tay hành động để sửa đổi luật tấn công tình dục và đảm bảo một sự cố kinh hoàng như vậy sẽ không bao giờ có thể xảy ra. Tuy nhiên, sự thay đổi đã không tới.
Bajoria cho biết nhận thức từ vụ án năm 2012 và sự phẫn nộ mà nó gây ra đã tạo được một số động lực. Nhiều phụ nữ đã tìm thấy tiếng nói của mình trong các cuộc biểu tình sau đó và xu hướng này vẫn tiếp tục với các vấn đề phân biệt giới tính và quấy rối tình dục rộng lớn hơn sau này.
"Nó giúp phá vỡ sự im lặng. Trong năm 2018, chúng ta thấy ngày càng nhiều phụ nữ và trẻ em gái lên tiếng. Phong trào #MeToo cũng cho chúng ta thấy điều đó. Phụ nữ sẵn sàng xuất hiện trước công chúng và nói về nó", cô nói.
Trong khi các hình phạt trở nên khắc nghiệt hơn và báo cáo về tội phạm đã được cải thiện nhờ nhận thức cao hơn về bạo lực tình dục, các chuyên gia nói rằng các vấn đề cơ bản vẫn chưa được giải quyết.
Các nhà phê bình cho rằng các chính trị gia thường xuyên sửa luật và tìm cách đối phó dễ dàng mà không giải quyết thách thức khó khăn hơn trong việc thay đổi văn hóa, đặc biệt trong lực lượng cảnh sát mà nhiều phụ nữ phàn nàn là không đủ khả năng để xử lý các trường hợp nhạy cảm.
"Cần bắt đầu giáo dục từ trường học và công sở, thực hiện luật chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Có rất nhiều việc cần phải được thực hiện. Cần phải thay đổi tư duy trong một xã hội mang tính gia trưởng sâu sắc", Bajoria nói.
Theo Tuyết Mai (Tri Thức Trực Tuyến)