Nam Sudan: Thẩm phán đình công khiến hệ thống tòa án tê liệt

04/05/2017 15:14:00

Đại diện tổ chức công đoàn của các thẩm phán Nam Sudan cho biết các thẩm phán đã bắt đầu đình công đòi tăng lương và yêu cầu Chánh án Chan Reec Madut từ chức.

Đại diện tổ chức công đoàn của các thẩm phán Nam Sudan cho biết các thẩm phán đã bắt đầu đình công đòi tăng lương và yêu cầu Chánh án Chan Reec Madut từ chức.

Chánh án Chan Reec Madut bị yêu cầu từ chức. (Nguồn: theniles.org)

Trước đó, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir đã thành lập một ủy ban để nghe khiếu nại của các thẩm phán song các cuộc thương lượng đã thất bại.

Thẩm phán Geri Raymondo cho biết do không đạt được tiến triển trong các cuộc thương lượng với chính phủ nên các thẩm phán đã bắt đầu đình công từ ngày 2/5 và cuộc đình công này sẽ kéo dài cho đến khi Chánh án Madut rời khỏi cương vị hiện nay.

Cuộc đình công của 274 thẩm phán của Nam Sudan đã làm tê liệt hệ thống tư pháp của nước này, khiến các tòa án trên toàn quốc không thể tiến hành xét xử.

Yêu cầu của các thẩm phán bao gồm tăng lương, điều kiện làm việc tốt hơn và ông Madut phải từ chức do sự lãnh đạo yếu kém. Theo Thẩm phán Raymondo, do đồng nội tệ mất giá, lương tháng của các thẩm phán là 4.000 bảng Nam Sudan giờ chỉ tương đương khoảng 25 USD, so với mức 1.200 USD trước khi nổ ra nội chiến.

Trong khi đó, thẩm phán Khalid Mohamed Abdallah cho biết cuộc đình công nhằm mục đích cứu vãn hình ảnh của cơ quan tư pháp Nam Sudan, khi lương thấp sẽ làm gia tăng tham nhũng.

Cuộc đình công diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế Nam Sudan, quốc gia vốn phụ thuộc vào dầu mỏ, tiếp tục xấu đi với giá cả tăng vọt và xung đột kéo dài nhiều năm đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất dầu thô.

Nam Sudan đã rơi vào nội chiến kể từ tháng 12/2013, chỉ 2 năm sau khi nước này tuyên bố độc lập. Tổng thống Kiir cáo buộc đối thủ chính trị của ông, cựu Phó Tổng thống Riek Machar, âm mưu đảo chính quân sự.

Giao tranh đã leo thang thành một cuộc xung đột toàn diện ở nước này, khiến chục nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người phải dời bỏ nhà cửa và nạn đói de dọa cuộc sống của hơn 100.000 người./.

Theo VietNam+

Nổi bật