Báo Times of Israel trích dẫn thông báo ngày 29/10 của Oramed cho hay, công ty con Oravax Medical của doanh nghiệp này đã nhận được giấy phép để bắt đầu tuyển tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 với vắc xin dạng uống có tên Oravax ở Nam Phi.
Theo hãng Oramed, vắc xin dạng uống hiện nhận được sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia đang phát triển, vì chế phẩm này giảm bớt gánh nặng hậu cần cho các chiến dịch tiêm chủng quốc gia. Vắc xin dạng viên cũng có thể là lựa chọn hấp dẫn nếu các chính phủ thúc đẩy việc chủng ngừa nhắc lại cho dân.
Oravax là phiên bản vắc xin dạng uống đơn liều, do Oramed hợp tác với công ty Premas Biotech của Ấn Độ phát triển. Hồi tháng 3, công ty tuyên bố vắc xin này tạo thành công kháng thể ở lợn.
"Vắc xin dạng uống sẽ loại bỏ một số rào cản đối với việc phân phối nhanh chóng, trên diện rộng, đồng thời có thể cho phép mọi người tự dùng vắc xin tại nhà. Sau thử nghiệm giai đoạn 1, chúng tôi dự định xúc tiến các thử nghiệm giai đoạn 2 và 3 để được phê duyệt sử dụng khẩn cấp ở những quốc gia liên quan", Nadav Kidron, tổng giám đốc điều hành Oramed nhấn mạnh.
Nga buộc nghị sĩ chưa tiêm chủng làm việc từ xa
Chủ tịch Duma quốc gia (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin quyết định, những nghị sĩ chưa tiêm phòng Covid-19 sẽ phải làm việc từ xa và không được phép tham dự các phiên tranh luận trực tiếp tại trụ sở cơ quan lập pháp.
Ông Volodin cho biết, Ủy ban Quy tắc và Duy trì hoạt động của Duma quốc gia đã được chỉ đạo tìm cách để các nghị sĩ tham gia các hoạt động của quốc hội từ xa. Các trợ lý và công chức chưa tiêm phòng cũng sẽ bị buộc phải làm việc tại nhà.
"Nếu công việc của quốc hội phải ngưng lại, hãy tưởng tượng những hậu quả đất nước có thể phải gánh chịu ... Không tiêm chủng, không có kháng thể, họ (các nghị sĩ) không thể thực hiện trọng trách của mình một cách hiệu quả", ông Volodin nói.
Theo báo RT, quyết định của ông Volodin đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo các nghị sĩ, kể cả lãnh đạo đảng cực hữu LDPR Vladimir Zhirinovsky. Nhà lập pháp kỳ cựu này cũng đề xuất giảm thời gian họp ở sảnh chính của quốc hội và cho rằng sẽ an toàn hơn nếu chỉ áp dụng việc họp trực tiếp cho các cuộc bỏ phiếu. Các nghị sĩ thay vào đó sẽ tổ chức thảo luận và tranh luận ở các ủy ban quốc hội.
Động thái diễn ra khi tình hình dịch ở Nga đang diễn biến phức tạp với số ca mắc mới và tử vong hàng ngày liên tục lập kỷ lục. Để ngăn chặn virus lây lan, một số vùng của Nga hôm 28/10 đã cho áp các biện pháp hạn chế về thương mại, chẳng hạn như đóng cửa các khách sạn và dịch vụ bán lẻ.
Nga hiện là điểm nóng về dịch ở châu Âu với hơn 8,4 triệu ca mắc, bao gồm 236.220 bệnh nhân thiệt mạng. Dù là nước cho trình làng vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới nhưng tốc độ tiêm chủng ở xứ sở bạch dương khá chậm chạp. Tính đến ngày 30/10, mới 37% dân số toàn quốc được tiêm ít nhất một liều vắc xin, 33% tiêm đủ liều và 1,1% được tiêm mũi nhắc lại.
Mỹ duyệt tiêm vắc xin Pfizer cho trẻ 5 - 11 tuổi
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) hôm 29/10 đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi, một bước quan trọng để bắt đầu quá trình tiêm chủng cho nhóm tuổi này.
Trong thông cáo báo chí, FDA cho hay, các bằng chứng hiện có đều cho thấy những lợi ích và tiềm năng của loại vắc xin trên với trẻ từ 5 tuổi trở lên vượt xa các nguy cơ. Cơ quan cũng trích dẫn dữ liệu cho thấy, vắc xin Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả gần 91% trong ngăn ngừa virus ở nhóm tuổi 5 - 11 dù được tiêm ở liều lượng thấp hơn. Liều dùng cho trẻ em trong độ tuổi này bằng 1/3 liều khuyến cáo cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.
Theo Reuters, quyết định của FDA được đưa ra vài ngày sau khi một hội đồng chuyên gia độc lập khuyến nghị phê duyệt vắc xin cho trẻ em. Động thái được tin sẽ giúp nhà chức trách vượt qua một trong những rào cản cuối cùng đối với chiến dịch chủng ngừa lịch sử tại xứ sở cờ hoa.
Cho đến nay, Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với gần 46,8 triệu ca mắc, xấp xỉ 766.000 bệnh nhân không qua khỏi. 58% dân số nước này đã tiêm đủ liều vắc xin và 4,5% được tiêm mũi tăng cường.
Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:
- Theo trang Worldometers, tính đến sáng sớm 30/10 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 221 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 246,7 triệu người, trên 5 triệu ca tử vong. Song, hơn 223,5 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.
- Bộ Y tế Singapore cho biết, nước này đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể phụ AY.4.2 của chủng Delta là trường hợp mắc Covid-19 nhập cảnh ngày 26/10. Tuy nhiên, hiện không có bằng chứng về việc ca bệnh đã làm lây nhiễm ra cộng đồng.
- Campuchia hôm 29/10 ghi nhận số ca mắc mới trong ngày thấp nhất trong một tháng qua với 101 trường hợp, bao gồm 18 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc kể từ đầu dịch lên 118.321 người. Cùng ngày, thêm 7 trường hợp tử vong, trong đó có 5 ca chưa tiêm chủng, nâng tổng số ca bệnh thiệt mạng lên 2.773 người. Theo Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Campuchia Aun Pornmoniroth, "cơ chế hộp cát”, mô hình thử nghiệm mở cửa du lịch, cho phép khách quốc tế đến thành phố Sihanoukville, đảo Koh Rong (tỉnh Sihanoukville) và Dara Sakor (tỉnh Koh Kong) kể từ ngày 30/11 tới mà không cần cách ly là bước đi đầu tiên trong chiến lược tổng thể từng bước mở cửa trở lại đón khách quốc tế của quốc gia Đông Nam Á. Mô hình sẽ được giám sát, đánh giá kỹ lưỡng và nếu thành công sẽ được nhân rộng.
- Anh thông báo sẽ xóa tên tất cả 7 quốc gia còn lại trong "danh sách đỏ" hạn chế đi lại do dịch bệnh, gồm Colombia, CH Dominica, Ecuador, Haiti, Panama, Peru và Venezuela. Theo đó, khi công dân Anh trở về từ những nước này sẽ không còn phải thực hiện cách ly tại khách sạn 11 đêm và công dân của những quốc gia đó cũng sẽ được phép nhập cảnh vào Anh.
- Thứ trưởng Y tế Mexico ngày 29/10 thông báo, nước này đã tiêm hơn 125 triệu mũi vắc xin Covid-19 cho trên 74 triệu người, tương đương 83% dân số trên 18 tuổi toàn quốc. Trong đó, 81% đã hoàn thành tiêm chủng và 19% đang chờ tiêm mũi thứ hai.
- Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, cuộc chiến chống đại dịch tại châu Phi có thể gặp trở ngại do thiếu ống tiêm, khi lục địa đen được tiếp cận với nguồn cung vắc xin dồi dào hơn vào năm 2022. Matshidiso Moeti, giám đốc WHO khu vực châu Phi kêu gọi cần có biện pháp mạnh để tăng cường sản xuất ống tiêm cho khu vực.
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)