Đài BBC (Anh) ngày 7-3 đưa tin một hộp đêm ở thủ đô Bamako của Mali bị tấn công bằng súng máy và lựu đạn, khiến 5 người thiệt mạng.
Ngày 7-3, một nhóm Hồi giáo cực đoan dùng súng máy bắn chết một công dân Pháp và 2 người đàn ông bản địa – một người được cho là cảnh sát, một người là bảo vệ - tại hộp đêm La Terrasse của Mali, sau đó bỏ trốn. Một nạn nhân Bỉ thiệt mạng khi bị chúng ném lựu đạn vào trong xe tại một con phố gần hộp đêm. Công dân châu Âu còn lại tử vong tại bệnh viện.
Các nhân chứng kể lại những kẻ tấn công hét lên “Thánh Allah vĩ đại” bằng tiếng Ả Rập trong lúc thực hiện vụ thảm sát. Một người dân sống gần hiện trường khẳng định ông thấy 4 tay súng nam giới bỏ trốn trên một chiếc xe hơi và một tên khác chạy xe gắn máy.
Bệnh viện Gabriel Toure cho biết họ tiếp nhận 8 người bị thương. Phóng viên đài BBC tại thủ đô Bamako nói rằng quân đội Pháp xuất hiện gần như ngay lập tức tại hiện trường. Số binh sĩ này nằm trong lực lượng vũ trang do Paris gửi đến khu vực Sahel ở Bắc Phi để ngăn chặn các nhóm phiến loạn.
|
Xung đột vẫn tiếp diễn dai dẳng ở miền Bắc Mali. Ảnh: Reuters |
Tổng thống Pháp Francois Hollande mạnh mẽ lên án vụ tấn công, gọi đây là hành động hèn nhát. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố sẽ tăng cường hỗ trợ cho vùng đất từng là cựu thuộc địa của Pháp này “chống lại quân khủng bố dưới mọi hình thức”.
Reuters dẫn nguồn tin tình báo cấp cao tiết lộ 2 nghi phạm liên quan đến vụ tấn công đã bị bắt giữ và đang bị thẩm vấn.
Trong nhiều năm qua, quân đội Mali vất vả đối phó với một số nhóm chiến binh Hồi giáo kêu gọi thánh chiến. Pháp và châu Phi đã huy động quân đội tới hỗ trợ nhằm ngăn chặn nhóm chiến binh liên kết al-Qaeda ở Bamako tiến về phía Nam, quét sạch tàn dư khủng bố trên hầu hết các thị trấn ở miền Bắc.
Tuy nhiên, nhóm phiến quân Tuareg cùng một số tổ chức Hồi giáo cực đoan khác vẫn tiếp tục hoạt động. Tháng 2 vừa qua, chính phủ Mali ký thỏa thuận ngừng bắn với một đồng minh của Tuareg, trong bối cảnh miền Bắc đang gặp khó khăn về kinh tế.
Kể từ khi độc lập vào năm 1960, xung đột diễn ra triền miên ở miền Bắc Mali khiến dân tình khốn đốn. Tình hình trở nên phức tạp hơn với sự xuất hiện của các tổ chức thánh chiến Hồi giáo, hoạt động tự do trên sa mạc Sahara.
Theo P.Nghĩa (Nld.com.vn)