"Bao nhiêu người phải ngã xuống"?
Trước ngày thiệt mạng, kỹ sư mạng máy tính Nyi Nyi Aung Htet Naing đã đăng bài viết trên Facebook cá nhân về việc các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ bị đàn áp gia tăng tại Myanmar.
"#How_Many_Dead_Bodies_UN_Need_To_Take_Action," (tạm dịch: Bao nhiêu người phải ngã xuống để LHQ hành động) - anh viết, đề cập đến tổ chức Liên Hợp Quốc.
Nyi Nyi Aung Htet Naing là một trong những người bị bắn thiệt mạng đầu tiên ở thành phố Yangon hôm Chủ nhật. Ngày 28/2 được cho là đẫm máu nhất kể từ cuộc chính biến, khi có ít nhất 18 người thiệt mạng. Kể từ cuộc chính biến hôm 1/2, các cuộc biểu tình đã diễn ra hàng ngày nhằm phản đối giới quân sự và yêu cầu thả nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi.
Nyi Nyi Aung Htet Naing bị bắn cách Hledan Junction, một điểm tập trung biểu tình quen thuộc, vài trăm mét.
Video từ một căn hộ phía trên cho thấy có tiếng súng khi Nyi Nyi nằm gục bên ngoài cổng trường trung học thị trấn Kamaryut, mặc áo sơ-mi và đội mũ cứng màu trắng của thợ xây, tay cầm điện thoại.
Một số người biểu tình chạy qua thi thể của Nyi Nyi. Sau đó, có 5 người biểu tình khác đưa Nyi Nyi đi, vừa cúi khom người vừa chạy, video từ trang web Myanmar Now được Reuters đăng lại cho thấy.
Một quan chức Liên Hợp Quốc giấu tên cho biết Nyi Nyi là một trong ít nhất 5 người thiệt mạng ở Yangon. Một người đã bị bắn vào mắt. Một giáo viên trung học đã thiệt mạng vì đau tim do tiếng nổ của lựu đạn gây choáng.
Thành phố đầy tiếng súng và lựu đạn
Văn phòng giám sát nhân quyền LHQ cho biết ít nhất 18 người thiệt mạng và 30 người bị thương hôm Chủ nhật, nâng tổng số người biểu tình thiệt mạng kể từ cuộc chính biến lên ít nhất 21 người. Trong khi đó, giới quân đội cũng cho biết, một cảnh sát đã bị thiệt mạng.
Cơ quan chức năng không có phản hồi với yêu cầu bình luận về tình trạng bạo lực hôm Chủ nhật.
Tờ Global New Light of Myanmar của nhà nước cho biết, quân đội trước đó đã kiềm chế nhưng không thể phớt lờ "đám đông vô chính phủ" và một số biện pháp mạnh chắc chắn sẽ được áp dụng với người biểu tình.
"Nhiều người bị thương. Tôi không có vũ khí. Tôi chỉ đến đây để phản đối một cách ôn hòa", Hayman May Hninsi, một giáo viên cho biết.
Ở khắp Myanmar, những người biểu tình đội mũ bảo hộ lao động bằng nhựa và lá chắn đối mặt với cảnh sát và quân đội, bao gồm cả các binh lính từ các đơn vị chuyên đối phó với các nhóm phiến quân dân tộc thiểu số ở các vùng biên giới của Myanmar.
Các nhân chứng cho biết tại thị trấn ven biển Dawei, lực lượng an ninh đã nổ súng vào những người biểu tình.
Đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy một người biểu tình mặc quần jeans nằm bất động sau khi đám đông chạy tán loạn. Những người lính đi ngang qua thi thể và bắt đầu dùng vũ lực với một người biểu tình khác.
Tại thành phố Mandalay, một người đàn ông đã bị bắn chết khi đang điều khiển xe máy. Những người biểu tình khiêng thi thể vô hồn của anh ta lên xe cấp cứu. Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy viên đạn xuyên qua chiếc mũ bảo hiểm màu đỏ, khiến nó ướt đẫm máu.
Một số đoạn video trực tiếp và hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội chưa được xác minh cho thấy các nhân viên y tế vội vã vực dậy những người chết và bị thương, khiêng họ trên cáng, dùng bông cầm máu những vết thương.
Yangon vang lên âm thanh của lựu đạn gây choáng, đạn cao su và đôi khi là một loạt đạn thật.
Bất chấp cuộc đàn áp, những người biểu tình đã di chuyển đến các quận khác nhau, thiết lập các rào chắn bằng các thùng rác có bánh xe và các khối bê tông.
Những người biểu tình viết nhóm máu và số điện thoại liên lạc của người thân trên cánh tay của mình trong trường hợp bị thương.
Khi màn đêm buông xuống, các cuộc biểu tình bùng lên và lại lắng xuống.
Nhà hoạt động thanh niên Thinzar Shunlei Yi nói: "Chúng tôi sẽ không để quân đội nắm quyền một lần nữa. Không bao giờ lặp lại."
Theo Minh Khôi (Doanh nghiệp & Tiếp thị)