Các công tố viên của chính phủ Mỹ đã yêu cầu Hàn Quốc bắt giữ em trai cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon bị buộc tội hối lộ.
Vụ bê bối hối lộ liên quan người thân của cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon có thể gây ảnh hưởng đến khả năng tranh cử chức tổng thống Hàn Quốc của ông Ban |
Trong phiên tòa liên bang tại Manhattan (thành phố New York, Mỹ) ngày 20.1, công tố viên liên bang Daniel Noble cho biết Mỹ đã gửi yêu cầu bắt giữ em trai của ông Ban Ki-moon là ông Ban Ki-sang, giám đốc điều hành công ty xây dựng Keangnam (Hàn Quốc), theo Reuters ngày 21.1. Ông Noble cho biết thêm Mỹ có kế hoạch dẫn độ ông Ban Ki-sang, nhưng ông ta vẫn chưa bị bắt.
Bộ Tư pháp Hàn Quốc đang thảo luận về yêu cầu bắt ông Ban Ki-sang, nhưng “vẫn chưa có hội ý chính thức”, hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) dẫn lời một nguồn tin giấu tên tiết lộ. Bộ Tư pháp Hàn Quốc cũng chưa có bình luận gì về thông tin này.
Một quan chức thuộc đơn vị phụ trách đối ngoại của cảnh sát quốc gia Hàn Quốc cho biết vẫn chưa nhận được bất kỳ yêu cầu chính thức của Mỹ về việc bắt ông Ban Ki-sang và từ chối tiết lộ thêm thông tin với Reuters.
Một lãnh đạo của công ty Keangnam cho hay ông Ban Ki-sang đã không còn làm việc tại công ty kể từ tháng 3.2015 và không rõ ông ta đang ở đâu.
Ông Ban Ki-sang và con trai là Joo Hyun "Dennis" Bahn bị buộc tội vào ngày 10.1 trong vụ hối lộ để bán tòa nhà Landmark 72 ở thủ đô Hà Nội. Cảnh sát Mỹ đã bắt giữ ông Bahn (38 tuổi) hành nghề môi giới bất động sản và sống ở bang New Jersey (Mỹ).
Ngày 21.1, tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc), ông Ban Ki-moon lên tiếng xin lỗi vì vụ bê bối hối lộ liên quan đến người thân của ông, đồng thời khẳng định: “Tôi không biết gì về vụ việc này”.
Theo bản cáo trạng ngày 10.1, khi Keangnam bị khủng hoảng tài chính, ông Ban Ki-sang (69 tuổi) thuê con trai làm môi giới cho công ty để bán tòa nhà Landmark 72 ở Hà Nội, có chi phi xây dựng trên 1 tỉ USD.
Bản cáo trạng cho thấy vào tháng 3.2013, ông Bahn thông qua một người quen đã gặp Malcolm Harris - một blogger tự xưng là một nhà tư vấn nghệ thuật - thiết kế thời trang. Theo các công tố viên Mỹ, ông Harris (52 tuổi) nói với Bahn rằng ông ta có thể giúp đỡ thông qua các mối quan hệ và đề xuất hối lộ cho một quan chức ở Trung Đông để có thể bán Landmark 72 cho một quỹ đầu tư quốc gia.
Vào tháng 4.2014, ông Ban Ki-sang và con trai đồng ý chi trước 500.000 USD và sẽ hối lộ tiếp 2 triệu USD nếu bán được toà nhà Landmark 72. Nhưng ông Harris không có bất kỳ mối quan hệ nào với quan chức ở Trung Đông, theo các công tố viên.
Sau khi cha con ông Ban Ki-sang chuyển 500.000 USD cho công ty của ông Harris để hối lộ, ông ta đã chiếm đoạt số tiền này, rồi dùng tiền mua vé máy bay, đồ nội thất, ở khách sạn, ăn tiêu xa xỉ và trả tiền thuê căn hộ cao cấp. Ông Harris đã bị bắt ở Mexico ngày 12.1 và sau đó được dẫn độ về Mỹ. Đến nay cả ông Bahn và Harris đều chưa nhận tội.
Theo Phúc Duy (Thanh Niên Online)