Lầu Năm Góc nhận định Bắc Kinh đang sử dụng lực lượng quân sự lớn mạnh, bên cạnh phát triển thương mại và mở rộng mạng lưới cơ sở hạ tầng để theo đuổi vai trò lãnh đạo toàn cầu. Tham vọng này của Trung Quốc được đánh giá là mối đe dọa an ninh với Mỹ và các đồng minh, bên cạnh sự ảnh hưởng đến những hành lang kinh tế quốc tế.
Được công bố vào ngày 14/1, bản báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh đến những nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng quân sự và phi quân sự của Trung Quốc, như dự án "Vành đai, Con đường" và kế hoạch Made in China 2025. Báo cáo cũng đánh giá ý nghĩa và sức ảnh hưởng của những dự án này đến Mỹ và các nước trên thế giới.
Tích cực sử dụng ZTE, Huawei
Báo cáo của Lầu Năm Góc cũng nêu mối lo ngại về đầu tư kinh tế và cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh, cùng với việc mua lại công nghệ quân sự. Bộ Quốc phòng Mỹ đặc biệt cảnh báo về sáng kiến "Vành đai, Con đường", kế hoạch đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng và mạng lưới thương mại xuyên lục địa do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng.
Washington cho rằng "con đường tơ lụa kỹ thuật số thế kỷ 21" được thiết kế để phục vụ những mục đích chiến lược lớn hơn.
Giống với những chỉ trích trước đó về những "khoản vay thôn tính" và chính sách "ngoại giao bẫy nợ" của Bắc Kinh, bản báo cáo của Bộ Quốc phòng nêu lên 17 trường hợp các dự án được đầu tư bởi Trung Quốc đã gây ảnh hưởng xấu đến nước chủ nhà.
"Việc Trung Quốc cố gắng giành quyền phủ quyết của các quốc gia khác, và thực hiện biện pháp ép buộc với đồng minh và đối tác của Mỹ, sẽ đe dọa đến thế đứng và khả năng tiếp cận của Mỹ, nếu không được giải quyết", bản báo cáo cho biết.
Kế hoạch "Con đường tơ lụa kỹ thuật số" được Chủ tịch Tập công bố vào tháng 5/2017 với tham vọng tăng cường kết nối khu vực trong nền kinh tế số. Dự án này ít được chú ý hơn so với sáng kiến "Vành đai, Con đường" hay kế hoạch "Made in China 2025".
Bắc Kinh công bố rất ít chi tiết về kế hoạch này, nhưng ông Tập tuyên bố sáng kiến này cần có sự hợp tác và phát triển ở các khu vực "tiền tuyến" của thời đại công nghệ, như nền kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano và máy tính lượng tử, cũng như các lĩnh vực khác như big data, điện toán đám mây và thành phố thông minh.
Báo cáo cho biết Bắc Kinh đang tích cực sử dụng các doanh nghiệp nhà nước hoặc có liên kết với nhà nước, bao gồm China Telecon, China Unicom, China Mobile, Huawei và ZTE để thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tăng tốc trong cuộc đua giành vị thế siêu cường công nghệ với Mỹ.
Tham vọng chạy đua quân sự
Văn bản này của Lầu Năm Góc được đưa ra cùng thời điểm với đánh giá khác của Cơ quan Tình báo Bộ Quốc phòng (DIA), trong đó nói tới nỗ lực phát triển những loại vũ khí tiên tiến của Bắc Kinh như máy bay ném bom hạt nhân và hệ thống cảnh báo sớm từ vũ trụ. DIA nhận định điều này cho thấy tham vọng trở thành cường quốc quân sự toàn cầu của Trung Quốc.
Tháng 12/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chuyển trọng tâm chính sách an ninh Mỹ từ chống khủng bố sang cạnh tranh chiến lược với Nga và Trung Quốc. Từ đó tới nay, Nhà Trắng đã có nhiều bước đi để hiện thực hóa chính sách này, trong đó có việc phát động cuộc chiến thương mại.
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ có đoạn: "Trung Quốc đã thực hiện việc mở rộng đáng kể năng lực quân sự ở những khu vực có tranh chấp như Biển Đông và biển Hoa Đông, nhưng họ cũng mở rộng thêm các hoạt động quân sự ở Trung Quốc đại lục".
"Việc theo đuổi tham vọng cải thiện năng lực quân sự toàn cầu được thúc đấy bởi nhiệm vụ mới của quân Giải phóng Nhân dân (PLA): bảo vệ lợi ích ở nước ngoài bằng việc thay đổi cách tiếp cận với các xung đột tiềm tàng dọc theo ngoại vi hàng hải", báo cáo nhận định.
Bản báo cáo của Lầu Năm góc phản ánh những quan điểm diều hâu bên trong chính quyền Tổng thống Trump. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan gần đây đã kêu gọi nỗ lực nhằm "cải thiện và tăng cường năng lực cạnh tranh của Mỹ".
Washington thiếu rõ ràng về chính sách
Mặc dù năm nay là mốc kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc, tình cảm giữa Washington và Bắc Kinh lại không hề nồng ấm, với những nghi ngờ và sự mất lòng tin của cả hai bên.
Dẫu hai phía đã thỏa thuận tạm dừng không leo thang cuộc chiến thương mại trong 90 ngày, ông Trump không hề cho thấy dấu hiệu sẽ mềm mỏng hơn với Trung Quốc trong cách tiếp cận của mình.
Mặc dù cả hai đảng ở Mỹ đều ủng hộ một cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc. Một báo cáo khác do Viện Brookings công bố thể hiện sự hoài nghi về chính sách của Nhà Trắng dưới thời ông Trump với Bắc Kinh.
Bài viết của Viện Brookings nhận định các mục tiêu của chính quyền ông Trump là không rõ ràng. Có một sự nhập nhằng trong việc Mỹ muốn buộc Trung Quốc phải thay đổi hành vi của mình trong các lĩnh vực được quan tâm cụ thể, giải quyết vấn đề kinh tế Mỹ từ Trung Quốc thông qua đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hay chỉ đơn giản là cản trở Trung Quốc trỗi dậy.
Bài viết trên được thực hiện bởi ông Jeffrey Bader, cố vấn châu Á cho hai đời tổng thống Mỹ (Clinton, Obama) cùng cộng sự, trong bài viết có đoạn: "Có rất ít sự rõ ràng từ chính quyền Trump về chiến lược để đạt được các mục tiêu... Những tuyên bố của họ chỉ bày tỏ một thái độ, chứ không phải một chiến lược".
Theo Sơn Trần (Tri Thức Trực Tuyến)