Sự việc người phụ nữ Trung Quốc (TQ) bị bắt hồi cuối tháng 3 khi tìm cách đột nhập vào khu nghỉ dưỡng của Tổng thống Donald Trump và bị cáo buộc là gián điệp một lần nữa làm dấy lên lo ngại của Mỹ về mạng lưới tình báo TQ trong những thập niên gần đây. Hãng AFP ngày 26-4 đưa tin Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Christopher Wray tuyên bố không nước nào đặt ra mối đe dọa trong việc thu thập thông tin tình báo nghiêm trọng với Mỹ như TQ.
Mới đây, một cựu kỹ sư và một doanh nhân TQ đã bị buộc tội gián điệp kinh tế và âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ tập đoàn Mỹ General Electric (GE) để mang lại lợi ích cho TQ. Các cáo buộc này là những vụ kiện mới nhất của Bộ Tư pháp Mỹ kể từ năm ngoái trong những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump chống những hành vi tình báo kinh tế của TQ bao gồm: trợ cấp bất hợp pháp, trộm cắp bí mật công ty, gian lận thông qua đánh cắp tài sản trí tuệ.
Lo sợ của Mỹ về tình báo là vô lý?
Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, TQ bắt đầu mở cửa cho các nhà đầu tư, sinh viên và học giả phương Tây. Quyết định này đã gây ra những hoang mang và lo ngại trong giới tinh hoa đất nước về ảnh hưởng tư sản hoặc thậm chí sự xâm nhập của gián điệp nước ngoài.
Theo tờ South China Morning Post, những sinh viên và học giả chỉ có thể ở trong các ký túc xá được chỉ định và dùng bữa tại các nhà ăn cụ thể. Họ bị theo dõi để ngăn các giao tiếp với giáo viên và học sinh TQ ngoài thời gian ở lớp học. Những doanh nhân hoặc học giả thăm TQ phải ở trong khách sạn dành riêng cho người nước ngoài. Bất kỳ người TQ nào có ý định vào mà không có thư mời bị kiểm tra thẻ căn cước thường xuyên.
Tờ nhật báo trên so sánh một số chính trị gia Mỹ ngày nay với những nhân vật TQ “cực đoan” năm xưa khi họ quá lo lắng rằng mọi sinh viên hay học giả ở nước ngoài đều có thể là gián điệp.
Trong một năm qua, Mỹ đã từ chối cấp thị thực hoặc đưa vào diện đánh giá do lo ngại gián điệp, trộm cắp thương mại, can thiệp chính trị đối với khoảng 30 học giả TQ, người đứng đầu các tổ chức học thuật và chuyên gia, theo tờ The New York Times. Bên cạnh đó, hàng trăm giáo sư, nhà nghiên cứu và nhà khoa học TQ còn bị từ chối thị thực đến Mỹ dự hội nghị, nghiên cứu hoặc thăm các tổ chức hợp tác. Các nhà khoa học và sinh viên TQ ở Mỹ cũng bị kiểm tra gắt gao.
Giám đốc FBI Wray cùng với các quan chức tình báo hàng đầu của Mỹ khẳng định các nhà khoa học, giáo sư, sinh viên TQ là những người tích cực nhất trong việc thu thập thông tin cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, nhà báo Wang cho rằng ông Wray không cung cấp chứng cứ cụ thể để chứng minh họ là những mối đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ.
Đánh cắp thông tin là “nghệ thuật”
Bản cáo trạng chống lại cựu kỹ sư GE Xiaoqing Zheng và doanh nhân TQ Zhaoxi Zhang được đưa ra sau khi ông Zheng bị buộc tội hồi tháng 8-2018 liên quan đến vụ trộm dữ liệu. Đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ chính thức tuyên bố kế hoạch này được thực hiện để mang lại lợi ích cho TQ, đồng thời cho rằng Bắc Kinh đã cung cấp các gói tài chính và hỗ trợ khác.
Theo cáo trạng đăng tải bởi hãng tin Reuters, ông Zheng đã đánh cắp dữ liệu độc quyền của GE về công nghệ tuabin bằng cách mã hóa các tập tin trên máy tính và bí mật nhúng chúng vào một bức ảnh kỹ thuật số. Sau đó, ông Zheng gửi bức ảnh vào email cá nhân của ông. Tuy nhiên, ông Zheng (56 tuổi) không nhận tội và được trả tự do. Tháng 8-2018, các công tố viên cho biết ông Zheng thừa nhận đã lấy cắp các tập tin của GE. Ông cũng thừa nhận công ty của ông ở TQ nhận được tiền tài trợ từ chính phủ.
Có nhiều phương pháp để thu thập thông tin con người như sử dụng thiết bị ghi âm hội thoại IMSI catcher, tìm kiếm trong thùng rác, các thiết bị nghe lén hay sử dụng sinh viên, doanh nghiệp và nhân viên TQ. Thiết bị IMSI catcher với chi phí 1.500 USD cho phép can thiệp vào bất cứ cuộc gọi nào sử dụng mạng này và ghi âm toàn bộ hội thoại.
LARRY JOHNSON, CEO của Công ty Giải pháp an ninh mạng CyberSponse
Đài Fox News nhận định vụ cô Yujing Zhang đột nhập vào khu nghỉ dưỡng của Tổng thống Trump không phải là người TQ đầu tiên bị tình nghi “làm gián điệp” ở Mỹ. Cũng trong tháng 4 qua, một người phụ nữ TQ tên Ying Lin đang làm việc cho hãng hàng không Air China đã nhận tội làm gián điệp cho chính phủ TQ bằng cách đặt các kiện hàng không được quét tại các chuyến bay đến Bắc Kinh theo lệnh của quân nhân TQ. Tháng 10-2018, Bộ Tư pháp Mỹ đã tiết lộ các cáo buộc đối với mười hacker và nhân viên TQ đã tham gia một kế hoạch nhằm đánh cắp bí mật và theo dõi thông tin (tradecraft) trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trả lời phỏng vấn của Fox News, ông Michael Biggs, Giám đốc điều hành công ty về bảo mật Centurions Alliance Group, cho rằng sự trỗi dậy của TQ như một cường quốc phụ thuộc phần lớn vào hoạt động “gián điệp” và “đánh cắp công nghệ” phương Tây. Theo ông Biggs, họ thu thập tất cả thông tin tình báo cho bất kỳ lợi thế cạnh tranh họ có thể đạt được. “Từ bí mật công nghiệp, bí mật thương mại, kiến thức chính trị, quân sự, tất cả những gì người TQ có thể chạm tay vào” - ông Biggs phát biểu.
Ông Biggs còn lo ngại máy tính không phải mục tiêu dễ bị tổn thương mà là con người. “Thu thập thông tin con người bằng cách lợi dụng các lỗ hổng của họ. Đây chính là một nghệ thuật”.
Những vụ án tình báo công nghiệp
Theo tờ foreign policy, năm 500 trước Công nguyên, tại TP Sybaris cổ đại Địa Trung Hải, những đầu bếp chủ trì các bữa tiệc sang trọng phàn nàn việc đối thủ ăn cắp công thức nấu ăn của họ. Sau đó, nhà lãnh đạo TP cấp cho đầu bếp quyền sở hữu độc quyền các công thức nấu ăn của họ trong một năm.
Năm 550 sau Công nguyên, hoàng đế Justinian của Byzantium gửi các tu sĩ Kitô giáo Nestorian đến TQ để mang về bí mật về tơ lụa. Họ trở về Byzantium với những quả trứng tằm được giấu trong các nhân viên của mình. Các trứng tằm nở ra đã phá vỡ sự độc quyền tơ lụa của TQ thời bấy giờ.
Năm 1712, linh mục người Pháp François Xavier d’Entrecolles đã đến tỉnh Giang Tây của TQ để đánh cắp bí mật về đồ sứ.
Năm 1790, người di cư người Anh Samuel Slater thành lập nhà máy dệt chạy bằng nước đầu tiên của Mỹ bằng cách nhân rộng các kỹ thuật từ quê nhà.
Năm 1989, đặc vụ Tây Đức Karl Heinrich Stohlze tới Boston (Mỹ) để dụ dỗ một người quản lý cấp trung tại một công ty công nghệ sinh học. Với sự trợ giúp của cô này, ông Stohlze đã sao chụp các tài liệu nghiên cứu độc quyền và gửi về công ty điện tử Đức Siemens.
Năm 1990, FBI xác nhận tình báo Pháp nhắm vào các công ty điện tử của Mỹ bao gồm IBM và Texas Instruments trong khoảng từ năm 1987 đến 1989.
Năm 1995, chính quyền của Tổng thống Mỹ Bill Clinton xem xét các biện pháp trừng phạt đối với nhập khẩu xe hơi sang trọng của Nhật Bản. Cơ quan An ninh Quốc gia nghe lén các cuộc hội thoại liên quan đến việc điều hành Toyota và Nissan bằng công nghệ giám sát tiên tiến.
Năm 2004, một nhà phân tích an ninh mạng tại công ty viễn thông Canada Nortel phát hiện các tin tặc ở Thượng Hải đã xâm nhập mạng máy tính của Nortel. Công ty này phá sản năm 2009.
Năm 2015, Mỹ cáo buộc TQ ăn cắp bí mật từ các công ty Mỹ bao gồm Boeing và Coca-Cola.
Năm 2019, mối lo ngại về vai trò của các công ty như Huawei trong việc xây dựng mạng 5G dẫn đến sự tẩy chay sản phẩm công nghệ Huawei của Mỹ.
Theo Trường Vũ (Pháp Luật TPHCM)