Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục đối đầu với Trung Quốc về các tuyên bố lãnh thổ vô lý của mình tại Biển Đông, nơi Bắc Kinh đã gia tăng quân sự hóa trên các đảo tranh chấp (mà thực tế là chiếm đóng trái phép từ các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam) với việc xây dựng và chuyển ra nhiều trang thiết bị quân sự lớn.
"Các bạn sẽ nhận thấy rằng chỉ có một quốc gia thực hiện nhiều động thái để phản đối hoặc lên án những hoạt động như vậy, nhưng đó là vùng biển quốc tế và rất nhiều quốc gia muốn thấy tự do hàng hải được đảm bảo, vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động" - Bộ trưởng Mattis nói với các phóng viên tháp tùng trên chuyến bay tới Hawaii, trên đường sang Singapore dự Đối thoại Shangri-La, một trong những diễn đàn an ninh quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương.
"Chúng tôi đang hết sức nỗ lực để hợp tác với các quốc gia Thái Bình Dương, đó là cách chúng tôi việc với thế giới, nhưng chúng tôi cũng sẽ đối đầu với những gì chúng tôi tin là không phù hợp với luật pháp quốc tế", Bộ trưởng Mattis nói thêm.
Nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc còn chỉ rõ: "Các nhà ngoại giao của Mỹ đang tích cực tham gia vào việc này. Không chỉ các nhóm nhỏ trong chính phủ Mỹ lưu tâm đến chuyện này, mà các quốc gia nước ngoài có liên quan cũng rất quan ngại về tình trạng tiếp tục quân sự hóa ở Biển Đông".
Tình hình ở Biển Đông gần đây có vẻ bị phủ sóng bởi sự kiện nóng trên bán đảo Triều Tiên nhưng vẫn nằm trong chiến lược đảm bảo tự do hàng hải theo luật quốc tế của Mỹ.
Cuối tuần trước, Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho hay tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Higgins (DDG-76) và tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường USS Antietam (CG-54) đã tiến vào vùng nước 12 hải lý xung quanh các đảo Cây, Phú Lâm, Linh Côn, Tri Tôn và tiến hành các hoạt động diễn tập. Cần nhấn mạnh các đảo này thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và kiểm soát trái phép.
Thế rồi trong cuộc họp báo chiều 27-5, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm lên tiếng: "Các hành động của Mỹ đã vi phạm luật quốc gia Trung Quốc và các luật quốc tế liên quan, làm tổn hại đến niềm tin chiến lược giữa quân đội hai nước".
Ông này không quên ngang nhiên cáo buộc hành động Mỹ "xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc". Một tuyên bố tương tự từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc thậm chí mô tả hành động của Mỹ là "khiêu khích" và kêu gọi Washington "ngừng xâm phạm chủ quyền, đe dọa an ninh" Trung Quốc.
"Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia" - Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố nhưng không nói rõ các biện pháp đó là gì.
Câu trả lời chính thức trên chuyến bay đi Hawaii ngày 29-5 của Bộ trưởng Mattis đã thể hiện thông điệp mạnh mẽ của Mỹ trước những tuyên bố đầy đe dọa của Trung Quốc.
Trong buổi tiếp Đoàn chủ tịch Tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương và chính sách an ninh mạng quốc tế của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ tại Hà Nội ngày 28-5, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh rằng Mỹ có vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực, đề nghị hai bên tăng cường hợp tác tại các thể chế khu vực, trong đó chú trọng việc củng cố vững chắc vai trò trung tâm và duy trì đoàn kết ASEAN, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Mỹ phát triển vững chắc, hiệu quả.
TNS Cory Gardner cho biết cá nhân ông sẽ tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến nhằm tăng cường quan hệ giữa Mỹ với khu vực, với ASEAN; đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có việc duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, tôn trọng luật pháp quốc tế tại Biển Đông.
Theo Tú Anh (Tuổi Trẻ)