Theo Reuters, hiện nay, không nhiều người quan tâm kỳ vọng đàm phán Mỹ - Triều sẽ sớm được nối lại, vì cả đôi bên đều đang tập trung vào các vấn đề trong nước, chẳng hạn như đại dịch Covid-19. Và cũng không có cách nào dễ dàng để giải quyết những khác biệt gai góc nhất giữa hai nước.
Nhưng một số nhà phân tích chỉ ra rằng, dù viễn cảnh đàm phán tương đối mờ mịt, Triều Tiên dường như chưa đóng cửa hoàn toàn đối với chính quyền ông Biden.
"Có những dấu hiệu cho thấy Washington và Bình Nhưỡng đang ở trong giai đoạn đầu của một cuộc khiêu vũ ngoại giao", chương trình 38 North có trụ sở tại Mỹ chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên, nêu trong một báo cáo ngày 3/5.
Hôm 2/5, Triều Tiên đã đưa ra một loạt tuyên bố chỉ trích các chính sách và luận điệu của Tổng thống Biden giống kiểu thù dịch thời Chiến tranh Lạnh.
Trước đó, Nhà Trắng thông báo các nhà chức trách Mỹ đã kết thúc quá trình đánh giá chính sách, trong đó khẳng định mục tiêu vẫn là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên. Họ tuyên bố sẽ khám phá con đường ngoại giao để đạt tới mục tiêu đó, nhưng sẽ không tìm cách mặc cả với ông Kim Jong Un.
Tuy đề cập đến bản đánh giá, Triều Tiên không phản hồi cụ thể về một số chi tiết được Mỹ công bố - dấu hiệu mà giới phân tích coi là bằng chứng Bình Nhưỡng vẫn chưa "chốt" quan điểm.
"Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu cả hai bên sử dụng khoảng thời gian ban đầu này để thăm dò và theo dõi nhau một chút", Reuters dẫn báo cáo của 38 North.
Khi còn tại nhiệm, Tổng thống Donald Trump đã có ba cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim Jong Un trong nỗ lực thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên từ bỏ kho hạt nhân, nhưng không đạt được bước đột phá nào.
Đối thoại Mỹ - Triều sa lầy từ năm 2019, với Bình Nhưỡng tuyên bố không quan tâm đến đàm phán nếu Washington không từ bỏ các chính sách thù địch, trong đó có các đòn trừng phạt kinh tế gay gắt.
Ít ngày trước khi ông Joe Biden lên nắm quyền, ông Kim Jong Un yêu cầu phát triển vũ khí hạt nhân tân tiến hơn và tuyên bố Mỹ là "kẻ thù lớn nhất của chúng tôi". Triều Tiên cũng tiếp tục tiến hành một loạt vụ thử tên lửa tầm ngắn và phát triển các vũ khí mới, nhưng từ năm 2017 vẫn chưa nối lại thử nghiệm tên lửa tầm xa hoặc bom hạt nhân. Điều này được coi là thách thức lớn với ông Biden.
John Delury - Giáo sư tại Đại học Yonsei của Hàn Quốc – bình luận: "Mối quan ngại là Triều Tiên sẽ làm điều gì đó khiêu khích đến mức chính quyền Biden sẽ không có chỗ cho ngoại giao. Nhưng cả hai bên đều đang tránh chọc giận nhau. Họ có thể gọi tên nhau, nhưng họ hiện không làm vậy".
Rachel Minyoung Lee, chuyên gia phân tích kỳ cựu về Triều Tiên tại 38 North, chỉ ra điều đáng chú ý là Bình Nhưỡng chưa đưa ra các tuyên bố chính thức về chính quyền Biden trên các phương tiện truyền thông trong nước. "Điều đó cho thấy Bình Nhưỡng đang giữ cho các lựa chọn chính sách của mình luôn mở", bà nói.
Những ngày qua, chính quyền Biden liên tục đưa ra tín hiệu cứng rắn đối với các vấn đề như phi hạt nhân hóa và trừng phạt, kết hợp với nhiều tuyên bố ngoại giao. Giới chức Mỹ nhấn mạnh họ đang tìm kiếm các mục tiêu ngoại giao "thực tế" và sẵn sàng đàm phán, nhưng khẳng định bóng đang ở sân phía Triều Tiên.
"Chúng tôi có... một chính sách rất rõ ràng tập trung vào ngoại giao và theo tôi, sẽ tùy Triều Tiên quyết định liệu có muốn can dự hay không trên cơ sở đó", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nêu quan điểm hôm 3/5.
Giáo sư Delury nhận định, kể cả nếu Mỹ và Triều Tiên đều muốn làm tất cả về ngoại giao, đại dịch Covid-19 đang hoành hành có thể khiến một quá trình vốn đã khó khăn càng trở nên khó thực hiện trong tương lai gần.
Theo Thanh Hảo (VietNamNet)