Buổi sáng hội đàm thân tình của Donald Trump và Kim Jong Un
Quan hệ Mỹ - Triều Tiên đã bước sang một trang mới sau cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại cuộc gặp tại khách sạn Capella trên đảo nghỉ dưỡng Sentosa ở Singapore ngày 12-6.
Mang tính biểu tượng
Diễn biến tích cực trong mối quan hệ nhiều sóng gió này càng được củng cố bởi tuyên bố chung được 2 bên ký kết sau hội nghị kéo dài 4 giờ. Theo đó, 2 bên cam kết làm việc cùng nhau để hướng đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên trong lúc Washington hứa bảo đảm an ninh cho Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, theo Reuters, văn kiện này không đưa ra thời hạn cụ thể hoặc nói rõ sẽ đạt được những mục tiêu trên bằng cách nào. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào Triều Tiên và việc ký kết một hiệp ước hòa bình không được đề cập.
Điều này vẫn không ngăn được nhà lãnh đạo Mỹ có những phát biểu lạc quan tại cuộc họp báo sau cuộc gặp: "Chúng tôi đã sẵn sàng khởi đầu cho một trang sử mới, một chương mới trong quan hệ giữa 2 quốc gia". Ông Trump bày tỏ hy vọng cuộc chiến Triều Tiên diễn ra gần 70 năm trước sẽ chính thức khép lại và tiến trình phi hạt nhân hóa sẽ bắt đầu "rất nhanh chóng" dù thừa nhận nỗ lực này đòi hỏi nhiều thời gian. Theo tuyên bố chung, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và các quan chức Triều Tiên sẽ tiếp tục thảo luận "sớm nhất có thể".
Ông Trump cũng dẫn lời nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói sau lễ ký tuyên bố chung rằng Triều Tiên sẽ phá hủy một cơ sở thử động cơ tên lửa như một bước đi xây dựng lòng tin. Đổi lại, ông chủ Nhà Trắng thông báo dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mới và khẳng định Mỹ sẽ chấm dứt tập trận chung với Hàn Quốc - được xem là một nhượng bộ lớn dành cho Bình Nhưỡng nếu điều này thực sự diễn ra. Không dừng lại ở đó, ông còn bày tỏ mong muốn rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc nhưng cho biết chưa tính đến chuyện đó lúc này.
Bất chấp những kết quả này, một số nhà phân tích cho rằng vẫn còn quá sớm để nhận định cuộc gặp lịch sử nói trên là bước ngoặt trong quan hệ giữa 2 nước từng xem nhau là kẻ thù. Theo họ, kết quả hội nghị chỉ mang tính biểu tượng chứ chưa có gì thực chất. "Hiện chưa rõ những cuộc đàm phán tiếp theo có dẫn đến mục tiêu phi hạt nhân hóa hay không. Đây không phải là bước tiến đáng kể" - ông Anthony Ruggiero, chuyên gia tại Quỹ Bảo vệ các nền dân chủ (Mỹ), nhận định với Reuters.
Khởi đầu mới
Đài CNN chỉ ra tuyên bố chung không nhắc gì đến mục tiêu "phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược" mà Mỹ hay nói đến. Trong khi đó, cam kết của nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như không khác những gì ông đưa ra tại cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 4 vừa qua.
Dù vậy, viễn cảnh an ninh khu vực Đông Bắc Á vẫn có thể thay đổi theo hướng tích cực hơn nếu cả Mỹ và Triều Tiên đều quyết tâm "gác lại quá khứ" và "mở ra một khởi đầu mới" như phát biểu của ông Kim Jong-un tại lễ ký kết tuyên bố chung. Niềm tin này càng có cơ sở khi hai nhà lãnh đạo thể hiện hình ảnh thân thiện và có những phát biểu tích cực trước truyền thông. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh cá nhân ông đã gây dựng được "mối quan hệ rất đặc biệt" với nhà lãnh đạo Triều Tiên và tin rằng ông Kim sẽ giữ lời. Nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm ông sẽ đến Bình Nhưỡng và ông Kim Jong-un đã nhận lời mời thăm Nhà Trắng vào thời điểm thích hợp.
Đây được xem là kết quả không tồi từ cuộc hội đàm kín kéo dài khoảng 40 phút giữa hai ông Trump và Kim, theo sau là cuộc gặp song phương mở rộng và buổi ăn trưa làm việc với sự hiện diện của thêm một số quan chức hai bên. Giới chuyên gia nhìn chung nhận định sẽ cần có thêm những cuộc gặp như thế trong thời gian tới nếu hai bên muốn đi đến bất kỳ thỏa thuận đột phá nào. Ông Marcus Papadopoulos, một nhà bình luận chính trị, nói với đài Sputnik rằng Washington và Bình Nhưỡng trước tiên cần thảo luận về cách thức giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh hai bên có quan điểm khác nhau về hầu hết các vấn đề liên quan.
Mừng, lo xen lẫn
Cộng đồng quốc tế nhìn chung có phản ứng tích cực đối với kết quả cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Trung Quốc đã gợi ý nới lỏng trừng phạt Triều Tiên không lâu sau khi hội nghị này khép lại với tuyên bố chung về "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" bán đảo Triều Tiên. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh tin tưởng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cần có hành động ủng hộ các cuộc đối thoại và nỗ lực ngoại giao gần đây. Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi cần có một cơ chế hòa bình mới dành cho bán đảo Triều Tiên để giải quyết những nỗi lo an ninh hợp lý của Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hy vọng cuộc gặp chưa từng có này sẽ dẫn đến một giải pháp thành công cho vấn đề hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên. Ngoài ra, Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga không quên nhấn mạnh quyết tâm giải quyết vấn đề công dân Nhật bị Triều Tiên bắt cóc cách đây mấy thập kỷ.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ra tuyên bố chúc mừng "thành công" của cuộc gặp lịch sử, đồng thời ca ngợi cả ông Trump và ông Kim "có bước đi táo bạo hướng đến sự thay đổi". Theo kế hoạch, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha đón người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Seoul ngày 13-6 để bàn về kết quả cuộc gặp.
Cũng có đánh giá tích cực đối với cuộc gặp, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói với hãng tin Tass rằng Moscow sẵn sàng hỗ trợ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ở chiều ngược lại, người phát ngôn chính phủ Iran nhắc nhở nhà lãnh đạo Triều Tiên rằng ông Trump có thể bất ngờ hủy bỏ bất kỳ thỏa thuận hạt nhân nào, sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận tương tự với Tehran hồi tháng rồi.
LỤC SAN
Theo Hoàng Phương (Nld.com.vn)