"Dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và theo lời mời của các đồng minh Ba Lan, tướng Wolters, người đứng đầu Bộ Chỉ huy châu Âu của quân đội Mỹ (EUCOM) đã chỉ đạo lực lượng quân đội Mỹ ở châu Âu và châu Phi tái bố trí hai tổ hợp tên lửa Patriot tới Ba Lan," đại úy Adam Miller, phát ngôn viên của EUCOM cho biết.
"Đây là bước đi thận trọng để bảo vệ lực lượng, làm nền tảng cho cam kết của chúng tôi với Điều 5 của Hiệp ước Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO và sẽ không hỗ trợ bất kỳ chiến dịch tấn công nào," thông báo nêu thêm.
Tuyên bố của EUCOM nhắc tới Điều 5 của Hiệp ước Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo đó xác lập nguyên tắc rằng một cuộc tấn công nhắm vào thành viên liên minh sẽ được coi là một cuộc tấn công vào tất cả các thành viên.
Patriot là hệ thống tên lửa phòng không được thiết kế và phát triển nhằm đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngăn, các loại máy bay tiên tiến và tên lửa hành trình.
Trước đó, Mỹ đã bác bỏ đề xuất của Ba Lan chuyển giao toàn bộ máy bay MiG-29 của nước này cho Mỹ ở Đức, với điều kiện Mỹ cung cấp cho Ba Lan máy bay Mỹ mới hơn nhưng có năng lực hoạt động tương đương.
Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau thông báo chính phủ nước này "sẵn sàng triển khai - ngay lập tức và miễn phí - toàn bộ máy bay MiG-29" của họ tới sân bay Ramstein và "đặt chúng dưới quyền sử dụng của chính quyền Mỹ".
Tuy vậy, Lầu Năm Góc dường như đã bác bỏ đề xuất này.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn với Ba Lan và các đồng minh NATO khác về vấn đề này và các thách thức hậu cần mà nó mang lại, tuy vậy chúng tôi không cho rằng đề xuất của Ba Lan là hợp lý," thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby nói.
Ba Lan được cho là sở hữu 28 máy bay MiG và đã tham gia đàm phán với chính quyền của tổng thống Mỹ Joe Biden về một thỏa thuận, theo đo Warsaw sẽ gửi máy bay cho Ukraine với điều kiện Mỹ cung cấp cho không quân Ba Lan các loại chiến đấu cơ mới hơn của Mỹ.
"Ba Lan đề nghị Mỹ cung cấp chúng tôi các loại máy bay đã qua sử dụng với năng lực hoạt động tương đương," tuyên bố của Ngoại trưởng Zbigniew Rau cho biết.
"Ba Lan sẵn sàng thiết lập ngay lập tức các điều kiện mua máy bay," tuyên bố nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Ba Lan cũng đề nghị các thành viên NATO khác sở hữu máy bay MiG-29 "có động thái tương tự".
Tuy vậy, Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách Chính trị vụ Mỹ Victoria Nuland cho biết thông báo của Ba Lan khiến Washington bất ngờ.
"Theo hiểu biết của tôi, họ đã không tham vấn trước với chúng tôi về kế hoạch giao số máy bay đó cho chúng tôi. Tôi sẽ trở lại văn phòng của mình sau khi cuộc điều trần này kết thúc và xem xét chúng ta sẽ phản ứng như thế nào trước đề xuất giao máy bay của họ cho chúng ta," bà Nuland nói trước Quốc hội Mỹ.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)