Bắc Kinh tăng gấp đôi số tiền đóng góp cho Trung tâm rà phá bom mìn Campuchia (CMAC), nơi thực hiện các hoạt động rà phá hàng triệu quả bom chưa nổ, ông Heng Ratana - giám đốc trung tâm, cho biết.
Ngày 5/2 vừa qua, CMAC thông báo đã được Bắc Kinh cam kết đóng góp 4,4 triệu USD, vượt xa 2 triệu USD mà Mỹ tài trợ trong năm 2024. Ông Ratana cho biết Trung Quốc hiểu rằng sự hỗ trợ như vậy giúp " xây dựng mạng lưới giao lưu nhân dân" và mang lại lợi ích kinh tế.
Theo Viện Lowy tại Sydney, nơi nghiên cứu các vấn đề địa - chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương, Bắc Kinh đầu tư rất nhiều vào các nước láng giềng và gần đây tập trung xây dựng sức mạnh mềm thông qua nhiều hoạt động ngoại giao và trao đổi thiện chí.
Bắc Kinh không cung cấp viện trợ truyền thống với quy mô như phương Tây. Trung Quốc có ít kinh nghiệm về hỗ trợ chuyên môn như chống dịch bệnh hay phân phối viện trợ nhân đạo tại các khu vực xung đột như Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ ( USAID ).
Tổng thống Trump đã dừng hầu hết các khoản viện trợ của Chính phủ Mỹ trên toàn cầu trong 90 ngày, đồng thời chuẩn bị giải tán USAID , tổ chức mà ông cáo buộc là do "một nhóm những kẻ điên cuồng cực đoan" điều hành. Đây là một phần trong nỗ lực cắt giảm lực lượng nhân viên chính phủ liên bang và hạn chế chi tiêu mà nhà lãnh đạo Mỹ cho là lãng phí.
Dù chính quyền Mỹ nói rằng một số khoản tiền có thể được giải ngân khi lệnh tạm dừng hết hạn, nhưng tình trạng hiện nay khiến nhiều nhóm trên khắp châu Á đột ngột ngừng hoạt động hoặc phải sa thải nhân viên.
Joshua Kurlantzick, một nhà phân tích tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại ở New York, cho rằng lệnh đóng băng sẽ cản trở công tác nhân đạo vào thời điểm Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng.
"Sự dịch chuyển chung sẽ là hướng về Trung Quốc và tránh xa Mỹ, trong khi Washington lãng phí quyền lực mềm của mình", ông Kurlantzick nói.
Reuters dẫn lời người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định rằng Bắc Kinh cung cấp viện trợ "không kèm theo điều kiện chính trị" và phù hợp với nhu cầu của các đối tác. Người phát ngôn nhấn mạnh sự hợp tác của Trung Quốc với các nước đang phát triển khác sẽ vẫn kiên định, "bất kể bối cảnh quốc tế có thay đổi gì".
4 năm thất thường
Trong bối cảnh đang gặp nhiều khó khăn kinh tế trong nước, Trung Quốc khó có thể sánh được với Mỹ về quy mô viện trợ.
Thay vào đó, Bắc Kinh coi trọng "các chương trình đầu tư vào cơ sở hạ tầng quy mô lớn" - đặc điểm nổi bật của sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), ông Derek Grossman, một nhà phân tích tại hãng nghiên cứu RAND Corporation, cho biết.
BRI là chương trình phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ USD của Trung Quốc, nhằm kết nối các cảng biển và đường sắt trên khắp châu Á, châu Âu và châu Phi.
Hiện tại, trong số các nhóm có nguy cơ mất nguồn tài trợ quan trọng từ Mỹ có những nhóm tập trung vào mục tiêu mà Bắc Kinh coi là thù địch, chẳng hạn như hỗ trợ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, những người bất đồng chính kiến từ Myanmar và Triều Tiên.
USAID ngừng hoạt động cũng khiến các chương trình phòng chống HIV cho phụ nữ, đào tạo kỹ năng và học bổng cho các nhà lãnh đạo tương lai phải dừng.
Ông Greg Poling, một chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, cho rằng việc Mỹ đóng băng viện trợ, cùng với việc tấn công Canada và Mexico bằng thuế , là lời cảnh báo với các đối tác của Mỹ "về sự thất thường mà họ sẽ phải đối mặt trong 4 năm tới".
Theo Tú Linh (Tiền Phong)