Tàu hút bùn Trung Quốc hoạt động gần đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa do phi cơ giám sát P-8A Poseidon của Mỹ chụp hôm 21/5. Ảnh: Reuters. |
"Kế hoạch của Trung Quốc không góp phần giảm căng thẳng, hỗ trợ các giải pháp ngoại giao và hòa bình khẩn cấp hay củng cố tuyên bố chủ quyền trên biển", Reuters dẫn lời một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua nói.
Trung Quốc tăng cường xây đảo nhân tạo từ năm ngoái, khiến một số quốc gia châu Á phải báo động và Mỹ lên tiếng chỉ trích. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không chỉ rõ hoạt động cải tạo tại khu vực nào trong số 7 bãi đá sắp hoàn tất nhưng điều này "phù hợp với kế hoạch làm việc". Bắc Kinh sẽ xây cơ sở hạ tầng trên các đảo để "hoàn thiện những chức năng liên quan".
Theo đó, các đảo nhân tạo sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động tìm kiếm và cứu nạn hàng hải, viện trợ thiên tai, bảo vệ môi trường, hỗ trợ định vị cùng mục đích quân sự chưa xác định. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông "không bị ảnh hưởng".
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của một số quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam và Philippines. Biển Đông có tiềm năng về năng lượng và là tuyến đường hàng hải quan trọng, với lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD được vận chuyển qua vùng này mỗi năm.
Ngoài vấn đề Biển Đông, giới chức Mỹ còn cáo buộc Trung Quốc tấn công máy tính chính phủ nước này, làm căng thẳng giữa hai nước gia tăng trước thềm cuộc gặp thường niên Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung, diễn ra từ 22 đến 24/6 tại Washington.
Mira Rapp Hooper, chuyên gia Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói động thái thông báo kế hoạch kết thúc xây dựng có thể đã được điều chỉnh nhằm giảm căng thẳng ngoại giao trước thềm đối thoại thường niên. Tuy nhiên, điều này không chỉ ra sự thay đổi nào trong chính sách của Trung Quốc.