Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định Trung Quốc áp dụng chiến thuật thuật cưỡng ép những nước khác trên Biển Đông và gây căng thẳng trong khu vực, nhưng sẽ tránh xung đột vũ trang.
Chẳng hạn, năm ngoái Trung Quốc điều động lực lượng hải cảnh và chiến hạm ở Biển Đông để duy trì sự hiện diện gần như liên tục ở đây. Trên biển Hoa Đông, Bắc Kinh triển khai phi cơ và tàu hải cảnh để tuần tra gần chuỗi đảo Điếu Ngư/Senkaku mà Nhật Bản đang kiểm soát.
"Trung Quốc áp dụng thủ đoạn cưỡng ép để hiện thực hóa yêu sách về chủ quyền, (tuy nhiên), họ tính toán để hành động của họ không dẫn tới xung đột vũ trang", báo cáo khẳng định.
Một tàu hải giám Trung Quốc di chuyển gần nhóm đảo Điếu Ngư/Senkaku trên Biển Hoa Đông. Ảnh: The Guardian |
Ông Abraham Denmark, phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á, nói rằng đôi khi tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc hành xử theo cách không chuyên nghiệp.
"Những hành động của họ không gây xung đột, nhưng sẽ giúp Trung Quốc khẳng định dần tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp với các nước khác", ông lập luận.
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông, kể cả những vùng lãnh hải gần các nước láng giềng ở Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Trọng tâm trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là những chiến dịch bồi lấp đảo. Bắc Kinh đang nỗ lực biến những đảo nhỏ, bãi đá và các thực thể khác trên biển thành cơ sở quân sự.
Lầu Năm Góc đưa nhiều ảnh về các đảo Trung Quốc chiếm trái phép, như Đá Chữ Thập. Từ năm 2014 tới nay, Bắc Kinh biến Đá Chữ Thập thành một đảo nhân tạo có chiều dài hơn 3 km và xây đường băng trên đó. Tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc bồi lấp 1.295 hecta đất trên 7 thực thể mà họ chiếm.
Năm ngoái Bắc Kinh ngừng các chiến dịch bồi lấp và bắt đầu tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo.
Mỹ luôn khẳng định những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trái với luật pháp quốc tế. Lầu Năm Góc đã thực hiện nhiều hành động "tự do hàng hải" bằng cách điều tàu và phi cơ tuần tra gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp.
Những hành động đó khiến Bắc Kinh tức giận. Họ cáo buộc Washington khiêu khích và cố tình gây căng thẳng trên Biển Đông.