Theo các nguồn tin, sự cân nhắc ở Washington và vận động riêng của Đài Bắc (Trung Quốc) đều vẫn ở giai đoạn đầu, trong bối cảnh căng thẳng leo thang nghiêm trọng ở eo biển giữa Trung Quốc đại lục và hòn đảo này trong thời gian gần đây.
Ý kiến của cả hai phía đều là áp lệnh trừng phạt cao hơn những biện pháp mà phương Tây đã sử dụng để hạn chế thương mại và đầu tư với Trung Quốc trong những công nghệ nhạy cảm như chip máy tính và thiết bị viễn thông.
Các nguồn tin không tiết lộ chi tiết biện pháp nào đang được tính đến, nhưng nói rằng việc trừng phạt nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cũng là mắt xích quan trọng bậc nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu đặt ra câu hỏi về tính khả thi.
“Việc áp lệnh trừng phạt Trung Quốc phức tạp hơn nhiều so với Nga, vì kinh tế của Mỹ và các đồng minh liên quan rất nhiều đến kinh tế Trung Quốc”, Nazak Nikakhtar, một cựu quan chức của Bộ Thương mại Mỹ, đánh giá.
Căng thẳng gia tăng ở Đài Loan (Trung Quốc) từ khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có chuyến thăm ngắn đến hòn đảo này, dẫn đến việc Bắc Kinh triển khai đợt tập trận chưa từng thấy và thiết lập những điều “bình thường mới” ở khu vực.
Nếu muốn áp lệnh trừng phạt, EU cần sự đồng ý của 27 thành viên. Sự đồng thuận rất khó đạt được ngay cả khi tất cả các thành viên đều chỉ trích việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tất cả châu Âu, ngoại trừ Vatican, đều có quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh.
Đức đang “cảnh giác", một quan chức nắm được tình hình cho biết. “Tôi không nghĩ xung đột Nga – Ukraine đã thay đổi căn bản cách chúng tôi nhìn nhận về quan hệ với Trung Quốc”, vị quan chức nói.
Tuy nhiên, đang có sự lo ngại ngày càng lớn trong Chính phủ Đức về sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Bộ trưởng kinh tế nước này vừa đưa ra chính sách thương mại mới để chấm dứt “sự ngây thơ” với Trung Quốc.
Theo Bình Giang (Tiền Phong)