Mỹ phát hiện sai phạm trong ngành hàng không vũ trụ
Ba công ty hàng không vũ trụ Mỹ SpaceX, United Launch Alliance (ULA), Aerojet Rocketdyne (AR) thực hiện đơn đặt hàng phóng vệ tinh quân sự của Lầu Năm Góc đã để xảy ra nhiều sai phạm trong công việc và không tuân thủ yêu cầu quản lý chất lượng trong sản xuất.
Những điều này được nêu trong báo cáo của cơ quan Tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Theo kết quả các cuộc thanh tra, đã phát hiện tới 181 vi phạm tiêu chuẩn AS9100 của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ, tại các cơ sở sản xuất của các công ty này.
Ví dụ trong các kho chứa của công ty SpaceX, động cơ tên lửa Merlin không được bảo vệ đúng quy cách. Bên cạnh đó, ở những nơi bị cấm những vật ngoại lai, thanh tra viên tìm thấy lon soda và đồ dùng cá nhân của nhân viên.
Trong một khu vực như vậy của công ty AR, các thanh tra viên đã tìm thấy rác và phân động vật, bên cạnh đó, nhóm thanh tra chú ý đến “những chiếc ốc vít lỏng lẻo" trong một loạt thiết kế. Tại các cơ sở của ULA cũng tìm thấy một số vi phạm kỹ thuật tương tự.
Hàng không vũ trụ là ngành công nghiệp công nghệ siêu cao, siêu chính xác và rất “sạch sẽ” theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng của nó. Chỉ cần một vật thể lạ ví dụ như phân chuột lọt vào cấu trúc hệ thống hoặc động cơ của nó cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, bởi trên khoảng không vũ trụ, mọi sai sót đều không thể sửa chữa được.
Cơ quan thanh tra của Lầu Năm Góc lưu ý rằng, chưa tính đến những vấn đề thuần túy về công nghệ, những vi phạm do chủ quan của con người gây ra làm tăng nguy cơ thất bại trong những vụ phóng thiết bị vũ trụ. Những điều này có thể dẫn đến tăng chi phí của các dự án và làm chậm kỳ hạn của chương trình không gian.
Được biết, SpaceX, United Launch Alliance (ULA), Aerojet Rocketdyne (AR) là 3 nhà sản xuất động cơ tên lửa của Mỹ được Bộ Quốc phòng nước này tin tưởng giao trọng trách giúp Lầu Năm Góc thoát khỏi sự phụ thuộc vào động cơ tên lửa đẩy vũ trụ RD-180 của Nga.
Động cơ RD-180 được Mỹ sử dụng trong các tên lửa Atlas V, thực hiện các vụ phóng các thiết bị hàng không vũ trụ của không quân Hoa Kỳ, cơ quan an ninh quốc gia (NSA) hay Cục tình báo Trung ương (CIA) cũng như phục vụ sứ mệnh khoa học và nghiên cứu của NASA.
Mỹ nỗ lực thoát Nga về hàng không vũ trụ
Trong hàng thập niên qua, Mỹ vẫn phải chi hàng chục tỷ USD động cơ RD-180 do công ty Energomash của Nga sản xuất, để lắp đặt trên các tên lửa đẩy Atlas, với giá thành khoảng 20 triệu USD mỗi chiếc và chi 80 triệu USD để mua lấy một suất bay lên quỹ đạo trên các tàu vũ trụ Soyuz của Nga.
Các quan chức Lầu Năm Góc và chính khách Mỹ đã nhiều lần phàn nàn về thực trạng ngành hàng không vũ trụ nước này quá phụ thuộc vào Nga khi tiếp tục phải bỏ ra hàng tỷ USD phải mua động cơ tên lửa đẩy và mua chỗ trên tàu vũ trụ Nga để lên trạm không gian ISS.
Trong nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào động cơ tên lửa đẩy Nga, vào tháng 3/2016, Bộ quốc phòng Mỹ đã quyết định ký liền 2 hợp đồng chế tạo động cơ tên lửa đẩy với các công ty chế tạo thiết bị hàng không Aerojet Rocketdyne và United Launch Alliance (ULA) thuộc United Launch Services.
United Launch Services được trao một hợp đồng ban đầu trị giá 47 triệu USD (tổng số tiền đầu tư quốc gia 202 triệu USD), nhận trọng trách thiết kế tên lửa đẩy Vulcan BE-4 để sử dụng trên tên lửa New Glenn do Blue Origin sở hữu, cũng như trên tàu vận tải tên lửa mới Vulcan do United Launch Alliance (ULA) sản xuất.
Theo các điều khoản của hợp đồng, kế hoạch phát triển BE-4 phải được hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2019, tức là sau 2 năm nữa, với chỉ tiêu tính năng vượt trội so với tên lửa RD-180 Nga, được phát triển trong thập niên 70 của thế kỷ trước, dưới thời Liên Xô.
Còn Aerojet Rocketdyne có nhiệm vụ chế tạo nguyên mẫu động cơ tên lửa đẩy AR1 theo một hợp đồng trị giá 115 triệu USD. Khả năng tổng ngân sách đầu tư quốc gia cho kế hoạch này sẽ lên tới 536 triệu USD.
Hồi tháng 10 vừa qua, công ty không gian Blue Origin chính thức tuyên bố thử nghiệm thành công động cơ BE-4 trong giai đoạn thử nghiệm mặt đất và được cấp chứng nhận thử nghiệm trong giai đoạn bay.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định rằng, để chế tạo được một loại động cơ đáng tin cậy như RD-180, các công ty Mỹ sẽ phải mất nhiều thời gian hơn nữa. Thử nghiệm mặt đất thành công của BlueOrigin mới chỉ là bước đầu, để một động cơ có thể hoạt động tốt khi gắn vào một tên lửa đẩy bay lên vũ trụ, Mỹ sẽ tốn không ít hơn 5 năm nữa.
Theo Toàn Thắng (Đất Việt)