Trực thăng nỗ lực dập cháy rừng ngùn ngụt dọc cao tốc California
Ngay trước khi hoàng hôn buông xuống thành phố Page, bang Arizona, Mỹ, hàng dài người đang đổ về con đường mòn cách hồ nước Horseshoe Bend gần một km.
Theo Guardian, họ đến từ khắp nơi trên thế giới. Trên tay mỗi người mang theo đủ thứ đồ đạc: Từ phần gà chiên McDonald, chú chó cưng chihuhua, vài chàng trai còn giấu nhẫn đính hôn trong túi áo. Nhưng tất cả mọi người đều trang bị sẵn sàng một vật dụng: điện thoại thông minh để chụp ảnh.
Cách công viên quốc gia Grand Canyon chỉ vài km, từ trên vách đá du khách có thể thu trọn trong tầm mắt khúc quanh màu ngọc lục bảo của sông Colorado tạo thành hình móng ngựa. Cảnh quan hùng vĩ mang tên Horseshoe Bend này là một trong những kỳ quan nổi tiếng nhất miền Tây nước Mỹ.
Khủng hoảng vì mạng xã hội
“Trong quá khứ nơi đây chỉ là địa điểm cho các chuyến dã ngoại gia đình. Nhưng từ khi điện thoại di động được phát minh, mọi thứ đã thay đổi chóng mặt”, Bill Diak, 73 tuổi, cựu thị trưởng thành phố Page, nói với Guardian.
Horseshoe Bend là một trong số rất nhiều địa điểm chịu ảnh hưởng khi trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh Instagram. Trong suốt một thập kỷ qua, ảnh chụp tại đây lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, khiến 7.000 cư dân của thành phố Page kinh ngạc.
Theo ông Diak, lượng khách du lịch hàng năm đã tăng từ vài nghìn lên tới 100.000 vào năm 2010, thời điểm Instagram ra mắt. Đến năm 2015, ước tính có khoảng 750.000 người đã tới đây. Trong năm nay, con số dự kiến có thể lên tới 2 triệu lượt khách.
Trước đây, đỉnh điểm du lịch là vào mùa hè nhưng hiện nay du khách đổ về suốt cả năm, vào khoảng 5.000 người tham quan mỗi ngày. Điều này mang lại nhiều mặt trái không đáng có.
Vào tháng 5, một người đàn ông đến từ thành phố Phoenix, bang Arizona, đã trượt ngã khỏi vách đá và mất mạng. Năm 2010, một du khách Hy Lạp đã chết khi phiến đá dưới chân sụt xuống. Trước đó, vị khách này trèo lên trên để chụp ảnh.
“Mạng xã hội là nguyên nhân hàng đầu cho vấn đề này. Khách du lịch không đến dây để tận hưởng khung cảnh hoang sơ, mà họ đến để chụp những bức ảnh ấn tượng”, Maschelle Zia, người quản lý hồ Horseshoe Bend thuộc khu giải trí quốc gia Glen Canyon, nói với Guardian.
Mạng xã hội cũng được cho là nguyên nhân gây phá hoại cảnh quan tại thác nước Kanarraville, bang Illinois, khi lượt chia sẻ ảnh chụp tại đây tăng nhanh chóng mặt. Khách du lịch để lại đầy rác thải, đường mòn bị sụt lở và đội cứu hộ thường xuyên phải có mặt để giúp đỡ du khách bị thương.
Trên khắp nước Mỹ, công viên quốc gia và nhiều khu du lịch khác đang đối mặt với khủng hoảng khi trở nên nổi tiếng. Phát minh công nghệ và chiến dịch quảng cáo hiệu quả đã thu hút một số lượng lớn chưa từng thấy khách du lịch quốc tế đến tham quan. Trong năm 2016 và 2017, các công viên quốc gia Mỹ có 330,9 triệu lượt khách, con số cao kỷ lục từng được ghi nhận, gần bằng với dân số toàn nước Mỹ.
Những đường mòn hẻo lánh trở nên tắc nghẽn, khung cảnh như tranh vẽ biến thành trận địa cho khách du lịch tranh nhau chụp ảnh tự sướng. Hậu quả là vẻ đẹp thực sự của những kỳ quan cũng dần biến mất.
“Con người có lẽ là loài động vật đông đảo nhất ở Yellowstone”, Dan Wenk, cựu tổng giám đốc của một công viên quốc gia Mỹ, nói. Tại công viên quốc gia lâu đời nhất nước Mỹ Yellowstone, số lượng du khách đã tăng 40% kể từ năm 2008 lên tới 4 triệu vào năm 2017. “Giống loài của chúng ta đang gây tác động lớn nhất đến công viên quốc gia và trải nghiệm du lịch vì thế cũng ngày càng xấu đi”, ông Wenk nói.
Quá tải và ùn tắc
Trong khoảng thời gian 4 tháng kể từ giữa mùa hè tới cuối mùa thu, thị trấn nhỏ thuộc bang Colorado, Mỹ bị quá tải và ùn tắc bởi hàng triệu du khách đổ về.
Năm 1872, Yellowstone trở thành công viên quốc gia đầu tiên trên thế giới. Năm 1904, lượt khách tham quan tại đây đạt mốc 120.690 người. Đến những năm 1950, con số chỉ còn khoảng vài chục nghìn người vì ngày càng có nhiều công viên quốc gia khác được thành lập.
Vấn đề là phần lớn cơ sở hạ tầng được xây dựng cách đây nửa thế kỷ và không thể đáp ứng lượng du khách khổng lồ như hiện nay. Thách thức về môi trường cũng ngày một lớn hơn khi nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng các công viên quốc gia đang phải chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu.
Việc bảo trì và nâng cấp đường xá cũng như các công trình khác ước tính phải tiêu tốn tới 11 tỷ USD. Chính phủ Mỹ đã cố gắng tăng mức phí tham quan tại các công viên đông khách nhằm bù đắp khoản đầu tư này nhưng không thành công do vấp phải sự phản đối của người dân.
Hậu quả là tình trạng quá tải và thiếu thốn cơ sở vật chất, được biểu hiện bằng hàng chục ngàn chiếc xe ôtô xếp hàng dài trên đường vào những tháng cao điểm du lịch.
Tại vườn quốc gia Yosemite, bang California, mặc dù có hệ thống xe đưa đón nhưng ban quản lý vẫn cảnh báo du khách có thể sẽ phải chờ đợi 2-3 giờ đồng hồ mới có thể vào tham quan thung lung Yosemite. Nổi tiếng với gấu xám, chó sói và bò rừng, công viên Yosemite có công tác bảo tồn được đánh giá rất tích cực.
Nhưng hiện nay, khách du lịch ùn ùn kéo về đã dần làm mất đi khung cảnh hoang dã vốn có. Vào tháng 8, hàng xe tắc nghẽn kéo dài tới 3 km tại đây nhanh chóng trở nên hỗn loạn khi tài xế bực tức xô đẩy và chen lấn. Nhiều người dừng lại quá lâu chỉ để có được một bức ảnh cận cùng các loài động vật.
Nhiều tài xế mất kiên nhẫn còn nổi cáu với kiểm lâm viên. “Tôi đã cố không tỏ ra bực tức. Hầu hết du khách không biết cách cư xử tại một nơi hoang dã như thế này”, một kiểm lâm viên trong bộ đồng phục nói với Guardian.
Kết hợp nhiều giải pháp
Các chuyên gia tài nguyên cho rằng giải pháp tối ưu nhất là giới hạn số lượng khách tham quan. Để giảm thiểu lượng xe lưu thông gây tắc nghẽn trong khuôn viên, đầu năm nay, công viên Muir Woods, bang California, đã đưa vào sử dụng hệ thống đỗ xe mới yêu cầu du khách phải đặt mua điểm đỗ trước khi đến. Lệnh cấm đỗ xe trên đường cũng được ban bố.
Ước tính cho thấy hệ thống này đã giảm thiểu khoảng 200.000 lượt xe lưu thông trong công viên. Đại diện ban quản lý hy vọng rằng có thể hạn chế tình trạng ùn tắc bằng cách vạch ra lộ trình tham quan hợp lý cho du khách. Đến nay, phương pháp này có vẻ đang hiệu quả.
Trong khi các quan chức đang cân nhắc áp dụng thêm nhiều biện pháp khác trên quy mô lớn, vẫn phải mất nhiều năm khách du lịch mới có thể thay đổi hành vi và có ý thức khi tham quan công viên.
Để cải thiện điều này, nhiều nhà hoạt động vì môi trường và nhiếp ảnh gia tại Mỹ đang khởi động phong trào sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm. Dana Watts, giám đốc điều hành tổ chức Leave No Trace, cho biết chiến dịch được phát động do nhận được những phản hồi từ cơ quan quản lý đất đai, ban quản lý công viên quốc gia và cả công chúng.
Cô cho rằng mọi người nên suy nghĩ cẩn thận trước khi đăng ảnh chụp tại nơi hoang dã. “Ai cũng muốn có những bức hình như vậy, nhưng người dùng mạng xã hội đang đẩy mọi thứ đi quá xa. Nếu bạn đăng tấm ảnh như vậy lên, bạn đang khuyến khích người khác làm điều tương tự. Chúng tôi chỉ khuyên mọi người nên dừng lại và cân nhắc kỹ”, cô Watts nói thêm.
Theo Hương Ly (Tri Thức Trực Tuyến)