Mỹ sẽ điều 15.000 binh sĩ tham gia cuộc tập trận chung “Giải pháp then chốt” với Hàn Quốc năm 2016, tăng gấp 4 lần so với con số 3.700 của năm 2015.
Cùng với cuộc tập trận mang tên Giải pháp then chốt, cả hai nước cũng sẽ tiến hành cuộc tập trận chung mang tên “Đại bàng non” kéo dài khoảng 50 ngày và diễn ra cùng thời điểm với Giải pháp then chốt.
Binh sĩ Mỹ tham gia một cuộc tập trận chung trên đất Hàn Quốc. |
Theo Yonhap, Đại bàng non được kỳ vọng sẽ là cuộc tập trận lớn nhất trong năm 2016 với sự tham gia của các lực lượng chiến lược của Mỹ như không quân, lính thủy đánh bộ cùng một hạm đội hải quân do một tàu sân bay làm soái hạm và nhiều tàu ngầm hạt nhân.
Triều Tiên đã nhiều lần phản ứng với các cuộc tập trận chung Mỹ- Hàn và coi đây là hành động thù địch nhằm vào nước này. Những lời lẽ cứng rắn của Triều Tiên cũng thường làm leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Liên quan đến 2 cuộc tập trận chung nói trên, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã hối thúc quân đội nước này chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến với Mỹ và các đồng minh. Ngoài ra, Triều Tiên cũng đã bắn hai quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn về phía khu vực diễn ra các cuộc tập trận nói trên.
Trước đó, hồi tháng 1, Triều Tiên đã thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 4 bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Sau đó, nước này ngày 7/2 tuyên bố phóng thử tên lửa mang vệ tinh lên vũ trụ. Tuy nhiên, các nước phương Tây đã lên án hành động này và cáo buộc Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo, điều đã bị cấm trong các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
Theo báo chí đưa tin, hành động của phía Triều Tiên đã bị Mỹ và Hàn Quốc đáp trả bằng một loạt các hoạt động phô trương sức mạnh quân sự.
Ngày 15/2, Mỹ đã điều tàu sân bay USS North Carolina đến cảng Busan ở phía Nam của Hàn Quốc để tham gia cuộc tập trận chung với Hải quân Hàn Quốc. 2 ngày sau, Mỹ cũng đã đưa 4 máy bay chiến đấu tàng hình F-22 đến một căn cứ Không quân gần thủ đô Seoul.
Trong tuần này, Mỹ và Hàn Quốc cũng đã bắt đầu đàm phán về khả năng đưa hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại (THAAD) của Mỹ sang Hàn Quốc bất chấp sự phản đối của Trung Quốc và Nga do lo ngại điều này có thể gây bất ổn trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-Gyun ngày 18/2 tuyên bố, Seoul có quyền bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình thông qua việc có quyết định đưa hệ thống THAAD của Mỹ đặt tại Hàn Quốc hay không.
Theo ông Moon: “Không có gì quan trọng hơn việc thực hiện các biện pháp để bảo vệ người dân cùng tài sản của họ trước những mối đe dọa về hạt nhân và tên lửa ngày một gia tăng từ phía Triều Tiên”.
Tuyên bố của ông Moon được đưa ra chỉ một ngày sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố, Mỹ và Hàn Quốc nên từ bỏ kế hoạch đưa hệ thống THAAD vào Hàn Quốc./.
Theo Trần Khánh (Vov.vn)