Mỹ sẽ chuyển giao cho Việt Nam 12 máy bay huấn luyện

09/12/2022 21:23:17

Tướng Mỹ cho biết trong các năm 2024-2027, Mỹ sẽ chuyển giao cho Việt Nam khoảng 12 máy bay huấn luyện T-6, còn việc chuyển giao 6 máy bay không người lái ScanEagle vẫn đang triển khai

Sáng 9-12 tại Hà Nội, Thiếu tướng Jered P. Helwig, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Duy trì lực lượng Quân khu 8, Lục quân Thái Bình Dương, Mỹ và Chuẩn tướng Sarah H. Russ, Trợ lý Huy động lực lượng của Cục trưởng về Chiến lược, Kế hoạch Chương trình và các yêu cầu, thuộc Không quân Thái Bình Dương, Mỹ, đã có buổi gặp mặt bàn tròn với báo chí nhân dịp dự Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022.

Mỹ sẽ chuyển giao cho Việt Nam 12 máy bay huấn luyện
Hai tướng Mỹ và đại diện Đại sứ quán Mỹ tại buổi gặp mặt bàn tròn với báo chí

Trả lời câu hỏi của báo chí về chuyển giao thiết bị quốc phòng giữa hai bên, Chuẩn tướng Sarah H. Russ bày tỏ vui mừng khi Việt Nam chọn Mỹ làm đối tác để huấn luyện đào tạo các phi công của Việt Nam. Từ năm 2024-2027, Mỹ sẽ chuyển giao cho Việt Nam khoảng 12 máy bay huấn luyện T-6.

Cụ thể, 3 chiếc dự kiến được chuyển giao trong quý 1 năm 2024, cuối năm có thểm 2-3 chiếc nữa, 6-7 chiếc còn lại sẽ được chuyển giao trước hoặc trong năm 2027.

Việt Nam hồi năm 2018 cử hai phi công tham gia khóa đào tạo dài 52 tuần với máy bay T-6 Texan II trong Chương trình Lãnh đạo Hàng không (ALP) của không quân Mỹ.

Ngày 31-5-2019, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo sẽ cung cấp 6 máy bay không người lái (UAV) ScanEagle cho Việt Nam với tổng trị giá 9,77 triệu USD.

Phía Mỹ cũng phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam để đào tạo kỹ thuật viên bảo dưỡng, dạy tiếng Anh cho các phi công Việt Nam. "Chương trình máy bay T-6 mở ra những cơ hội hợp tác khác về hậu cần, an toàn bay và y học hàng không. Văn phòng của chúng tôi ở Hawaii luôn sẵn sàng hỗ trợ những chương trình này"- Chuẩn tướng Sarah H. Russ khẳng định.

Ông cũng cho biết: "Chúng tôi rất vui mừng nếu Việt Nam chọn mua những thiết bị khác của Mỹ. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi chưa có thông tin về chương trình nào khác. Mỹ sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực hiện đại hóa của Việt Nam, sẵn sàng khám phá những cơ hội khác".

Theo Thiếu tướng Jered P. Helwig, Mỹ và Việt Nam đã có một số hợp tác trong lĩnh vực thương mại quốc phòng. Phía Mỹ đã chuyển giao 2 tàu tuần tra lớp Hamilton cho Việt Nam. Mỹ chuyển giao máy bay không người lái ScanEagle để hỗ trợ Việt Nam bảo vệ khu vực bờ biển và đang thực hiện chương trình hỗ trợ Việt Nam máy bay huấn luyện T-6. "Đây là những chương trình chúng tôi đánh giá rất tốt, các chương trình trong tương lai sẽ được thực hiện theo tốc độ mà Việt Nam mong muốn. Chúng tôi sẵn sàng trao đổi với Việt Nam để tìm hiểu về những cơ hội mới"- ông khẳng định.

Đại tá T.J. Bouchillon, Tùy viên quốc phòng Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, nhấn mạnh an ninh hàng hải là một ưu tiên trong hợp tác giữa hai nước. Các tàu tuần tra lớp Hamilton được chuyển giao cho Việt Nam theo chương trình chuyển giao thiết bị quốc phòng đã qua sử dụng. Theo chương trình này, những quốc gia nhận được không phải mất chi phí, phần liên quan đến huấn luyện, đào tạo, bảo dưỡng. Đó là gói tiếp cận tổng thể, đảm bảo cho các quốc gia duy trì hoạt động của các phương tiện trong tương lai, để xây dựng quan hệ lâu dài.

Liên quan đến việc Việt Nam mua 6 máy bay không người lái (UAV) ScanEagle của Mỹ, Đại tá T.J. Bouchillon cho biết đang trong quá trình chuyển giao, nhưng đi kèm là việc huấn luyện đào tạo cho sĩ quan của cảnh sát biển Việt Nam. "Chúng tôi vẫn đang triển khai"- ông khẳng định.

Theo Đại tá Bouchillon, Mỹ và Việt Nam đều cam kết với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Mỹ luôn sẵn sàng trở thành đối tác của Việt Nam trong bất kỳ lĩnh vực nào mà Việt Nam mong muốn, để giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền, duy trì thượng tôn pháp luật và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Những hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua có thể kể đến hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình quốc tế, đào tạo tiếng Anh cho sĩ quan quân đội Việt Nam, đưa một số học viên sĩ quan Việt Nam trẻ đang học tập, nghiên cứu tại các trường thuộc quân chủng Mỹ, hợp tác ở khu vực sông Mê Kông. Những hoạt động này có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai.

Thiếu tướng Jered P. Helwig cho rằng thông qua triển lãm lần này, có thể thấy Việt Nam có rất nhiều phương án cho nguồn cung quốc phòng của mình.

Đoàn Mỹ trong thời gian ở Việt Nam đã có những cuộc gặp gỡ và làm việc với các quân chủng của Bộ Quốc phòng Việt Nam. "Chúng tôi gặp Hải quân, Không quân Việt Nam, các công ty có mặt tại triển lãm quốc phòng để nghe ý kiến và đánh giá của họ. Tôi thấy họ rất phấn khởi về tương lai, nhìn thấy sự lạc quan về tiềm năng hợp tác trong thời gian tới. Chúng tôi thấy nhiều cơ hội để hai bên hợp tác với nhau trong tương lai. Trong trường hợp Việt Nam quyết định mua sắm thiết bị của các công ty có mặt tại triển lãm lần này, chúng tôi sẽ hỗ trợ để giúp việc đó dễ dàng hơn"- Thiếu tướng Helwig khẳng định.

Trong năm 2023, phía Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động mà hai nước triển khai trong thời gian qua và sẽ nỗ lực mở rộng hợp tác với Việt Nam theo tốc độ và mức độ mà Việt Nam mong muốn. "Vào thời gian phù hợp, chúng tôi sẽ tổ chức một chuyến thăm của tàu Hải quân Mỹ đến Việt Nam. Trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, hai bên có thể mở rộng hợp tác hơn nữa"- ông khẳng định.

Theo Dương Ngọc (Nld.com.vn)

 

Nổi bật